(BVPL) - Mấy chục năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh thì mỗi khi mùa mưa về, một thực trạng đáng buồn như đã thành “điệp khúc” khi  mùa mưa về, Hà Nội lại biến thành “Hà Lội”: Những con đường, phố phường biến thành những dòng sông. Và trên những “dòng sông” đó, hàng nghìn ô tô, xe máy bị chết máy vì ngập trong nước, giao thông ách tắc, nước tràn vào nhà dân.
 


Chỉ xin đơn cử tình trạng này ở vài năm trở lại đây: Chỉ với cơn mưa đầu mùa vào tháng 5/2011, với cường độ từ 50 - 100mm, nhiều đường phố Hà Nội đã ngập úng, ùn tắc giao thông. Nhất là khu vực sông Tô Lịch với tổng diện tích là 7.750ha bao gồm các quận nội thành như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa thêm một phần của quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai… Hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm... đã có 25 điểm ngập úng xuất hiện. Cơn bão số 2 xảy ra vào cuối tháng 6/2011, với cường độ mưa từ 44 - 97mm, lập tức hàng trăm tuyến phố rơi vào cảnh lụt lội, hàng chục vạn người và phương tiện giao thông ùn tắc trên các đường phố. Hàng loạt điểm ngập úng mới xuất hiện trên các phố Lê Duẩn, Đê La Thành, Nguyễn Văn Cừ, Thái Hà, Đinh Tiên Hoàng… có chỗ bị ngập tới hơn 1 mét…

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban dự án thoát nước Hà Nội cho biết: “Các khu đô thị lớn, mỗi nơi lại có cách làm riêng, cục bộ, không có hạ tầng cơ bản…”. Cơn bão số 2 mang tên Benbinca xảy ra vào ngày 24/6/2013 với diện tích mưa phủ rộng ngoài những điểm trũng thường xuyên ngập úng trên các phố nội thành thì trên đường vành đai, do nhiều hạng mục thi công dang dở, nước dồn vào không có chỗ thoát đã gây ngập úng trầm trọng. Theo báo cáo của Công ty thoát nước Hà Nội năm 2013 thì mưa có cường độ 100mm thì Hà Nội lập tức xuất hiện 20 điểm ngập úng có thể nói là truyền thống trong khu vực nội thành…

Còn năm 2015 này, mùa mưa, bão mới chỉ “rục rịch” nhưng cũng như những năm trước, ngay lập tức, Hà Nội đã bị xáo trộn, đình trệ mọi hoạt động mỗi khi mưa xuống. Không kể cơn siêu giông bất thường xảy ra gây thiệt hại và cũng làm lộ ra nhiều khiếm khuyết trong quản lý của Hà Nội mà chỉ tính cơn mưa ngày 24/6, kéo sang ngày 25 với cường độ 80- 130mm cũng đã gây ngập lụt cả một diện rộng trong nội thành. Mới đây nhất, là trận mưa sáng 8/9 kéo dài chỉ vài tiếng đồng hồ song đã khiến nhiều tuyến phố ngập úng, giao thông trở nên loạn nhịp...

Có thể thấy, dù mưa to hay nhỏ, ngắn hay dài, áp thấp nhiệt đới hay dông bão… thì Hà Nội cũng vô cùng chật vật và khốn khổ để chống đỡ. Nói như vậy để đặt câu hỏi: Phải chăng các nhà quản lý Hà Nội thờ ơ, vô cảm bỏ mặc tình trạng đường phố Thủ đô bị ngập úng, người dân khốn khổ mỗi khi mùa mưa đến? Câu trả lời ngắn gọn là không phải như vậy mà thực tế, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để thực hiện mục tiêu hạn chế từng bước để rồi đi đến giải quyết triệt để tình trạng ngập úng mỗi khi mưa xuống.

Theo đó, Hà Nội đã đặt bút ký để nhận tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vào ngày 10/6/1993, để thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 1 ở Hà Nội trên diện tích khá rộng với 7 quận, huyện nội thành với một phần của hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Và nếu căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 112/TTG ngày 15/2/1996 để thực hiện Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 thì đến nay cũng đã xấp xỉ 2 thập niên. Nếu thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục cơ bản của giai đoạn này thì chắc rằng Hà Nội từ lâu đã hạn chế được cơ bản tình trạng ngập lụt kéo dài như việc xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng Công trình đầu mối Yên Sở với trung tâm là trạm bơm có công suất giai đoạn đầu là 45m3/giây (sẽ nâng cấp lên 90m3/giây trong giai đoạn 2); Xây hồ điều hòa Yên Sở với diện tích 203ha. Cải tạo hệ thống sông hồ, thoát nước, trong đó chú trọng 4 con sông là Tô Lịch, sông Lừ, Kim Ngưu, sông Sét cùng một phần giao nhau giữa sông Sét và sông Lừ với tổng chiều dài là 34km. Cũng trong giai đoạn 1 sẽ cải tạo 18 hồ trong đó đáng kể là các hồ: Giảng Võ, Đống Đa, Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2, Thiền Quang, Thành Công… Nói cụ thể hơn là mục tiêu của giai đoạn 1 này là giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội khi có lượng mưa 172mm trong hai ngày trong phạm vi 77,5km2 bao gồm 4 quận nội thành và một phần của hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Cũng theo kế hoạch tiến độ giai đoạn 1 của dự án thoát nước của Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2000, sau đó do nhiều lý do lùi lại tháng 11/2003 (tính từ tháng 6/1993) tức khoảng 126 tháng, vẫn không xong và lại thêm dự kiến đến tháng 6/2003… Không chỉ là sự dây dưa về thời hạn mà theo kế hoạch, mục tiêu thoát nước của giai đoạn 1 cũng gần như phá sản. Cũng xin đưa ra con số tiền vay của OECF (Kinh tế đối ngoại Nhật Bản) sau đổi là JBIC (Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho giai đoạn 1 này là 200 triệu USD. Cùng với đó là hàng loạt hồ chứa nước nằm trong dự án phải cải tạo đã bị thu nhỏ lại, thậm chí có hồ đã gần như biến mất như hồ Thanh Nhàn 1, 2 giờ chỉ bằng chưa đến 30% so với trước đây.

Mặc dù, mục tiêu giai đoạn 1 của Dự án thoát nước đã thất bại song theo Quyết định số 4315/QĐ –UBND Hà Nội lại bắt tay vào triển khai giai đoạn 2 của Dự án này với số tiền đầu tư là 370 triệu USD. Trên giấy tờ, mục tiêu của giai đoạn 2 này thật hoành tráng với việc nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên từ 45m3/giây lên 90m3/giây. Cải tạo kênh, mương thóat nước lưu vực các sông: Tô Lịch, Hoàng Liệt, Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét với tổng chiều dài là 27km; Cải tạo 10 hồ chứa nước… Nhưng sau 5 năm nếu tính từ năm 2006 đến năm 2011 và ngay cả đến giữa năm 2015 thì có thể nói, tốc độ thực hiện giai đoạn 2 của Dự án thoát nước của Hà Nội đang như rùa bò. Tiền đối ứng dùng để GPMB đã tăng so với đầu tư ban đầu là 2.000 tỷ đồng nhưng mới giải phóng được 90% diện tích và 722 phương án đền bù vẫn đang giải quyết trong đó 24 phương án chờ phê duyệt. 6/13 gói thầu của Dự án mới hoàn thành. Và cũng như giai đoạn 1, sau nhiều lần lùi thời gian hoàn thành, thành phố quyết định giai đoạn 2 của Dự án thoát nước sẽ hoàn thành vào tháng 4/2015, rồi lại lùi đến ngày chót trong năm là ngày 31/12/2015.

Cứ nhìn cung cách “đốt tiền” và tiến độ thi công Dự án thoát nước của cả hai giai đoạn của TP. Hà Nội thì sẽ thấy nỗi lo của người dân Hà Nội về tình trạng ngập úng mỗi khi mưa xuống vẫn dài dài, chưa thể chấm dứt.
 

Nguyễn Hiếu

.