Hiện chưa có một thống kê đầy đủ nào về tình trạng cán bộ, công chức sa vào “trò đỏ đen” bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, vấn nạn tiêu cực trên đã diễn ra âm ỉ bấy lâu nay.
 


Và những hệ lụy
 
Hiện tượng cán bộ, công chức tụ tập sa vào “trò đỏ đen” diễn ra chủ yếu dưới các hình thức như: Đánh phỏm, đánh liêng, tổ tôm, xóc đĩa…Không ít người chỉ xem đó là trò giải trí, tiêu khiển bình thường nhưng càng chơi lại càng “nghiện” và khó có thể thoát ra. Khác với những nhóm cờ bạc chuyên nghiệp, có tổ chức bài bản, giới công chức thường tụ tập đánh bạc một cách ngẫu hứng. Đối tượng tham gia thường chỉ gói gọn trong phạm vi cơ quan, đơn vị, ít khi lôi kéo các đối tượng bên ngoài vào “sới” nên cũng ít xảy ra tình trạng tranh cãi, xô xát lớn, gây sự chú ý đối với cơ quan chức năng. Đây cũng là lý do khiến cho các vụ đánh bạc vẫn âm thầm diễn ra trong các cơ quan, công sở nhưng khó bị phát hiện, xử lý. Việc tham gia “trò đỏ đen” không chỉ tồn tại ở giới công chức, viên chức mà ngay cả một số lãnh đạo cũng tỏ ra “hào hứng” với trò giải trí, tiêu khiển này của cấp dưới. Thay vì có những hành động ngăn chặn, xử lý kiên quyết với nạn cờ bạc diễn ra trong nội bộ cơ quan, một số vị lãnh đạo cũng hùa vào tham gia với cấp dưới cho “hòa đồng”. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi khi đã “nhúng chàm”, những người lãnh đạo đứng đầu các cơ quan sẽ trở thành những “tấm gương mờ” đối với mọi người trong cơ quan. Nạn cờ bạc trong các cơ quan, công sở vì thế lại được thể hoành hành. Tình trạng cán bộ, công chức sa vào “trò đỏ đen” gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình và các cơ quan, đơn vị.
 
So với những người không có công ăn việc làm, xem đánh bạc là một “nghề kiếm cơm”, cán bộ, công chức trong các cơ quan, công sở được xem là người có tri thức, có địa vị xã hội nhất định. Họ hiểu hơn ai hết việc tham gia đánh bạc dù dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, vẫn có không ít người “nhắm mắt đưa chân” sa vào “trò đỏ đen”. Có thể xem lối sống thực dụng, không lành mạnh, thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng bản thân chính là nguyên nhân cơ bản khiến không ít cán bộ, công chức sa vào nạn cờ bạc. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý của các cấp, ngành chức năng đối với vấn nạn tiêu cực này trong các cơ quan, công sở bấy lâu nay còn có phần nể nang, nhẹ nhàng theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” nên tệ nạn này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại.
 
Thiết nghĩ, đã đến lúc các đơn vị cơ quan, công sở và bản thân mỗi cán bộ, công chức cần nhận thức rõ tác hại trước mắt và lâu dài khi sa vào “trò đỏ đen”. Từ đó, thường xuyên gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm. Đây cũng là giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng cán bộ, công chức sa vào tệ nạn cờ bạc, vi phạm pháp luật, đồng thời góp phần xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh ở các cơ quan, công sở.
 

Theo CA Nghệ An