Gần tuổi hưu, ông Trần Thiện Tú mới quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực mình đam mê từ thời trẻ là vẽ và mở phòng tranh.


Khởi nghiệp muộn

Từ  nhỏ có khiếu vẽ, ông Trần Thiện Tú quyết định theo học ngành hội họa tại Trường đại  học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Nhưng ra nghề, ông lại quyết định về mở trang trại trồng cà phê. Có thời gian, ông đi buôn nông sản, mở quán ăn. Ông từng là chủ của 3 cửa hàng bán điện thoại di động từng một thời có tiếng ở TP.Biên Hòa. Ông Tú chia sẻ: “Tôi thử nghiệm, tìm kiếm cơ hội ở nhiều ngành nghề. Dù cầm cuốc hay bận rộn với hoạt động kinh doanh, tôi vẫn dành thời gian để vẽ tranh. Đến tuổi cần nghỉ ngơi vì không phải lo gánh nặng kinh tế gia đình, tôi mới dành trọn thời gian cho niềm đam mê của mình”.

Ông là họa sĩ chuyên về tranh sơn dầu. Năm 2011, phòng tranh được mở với “tài sản” gần 200 bức tranh sơn dầu do ông tự sáng tác. Lấy tên phòng tranh là Ca Dao vì ông luôn yêu thích và nghiêng về thể hiện chất mộc mạc, hồn nhiên của con người, cảnh sắc quê hương. Với ông đây là một quyết định khá mạo hiểm vì tranh của một họa sĩ mới không dễ có người mua. Trong năm đầu, phòng tranh hoạt động không mấy hiệu quả vì ít khách ghé thăm.

Làm tranh theo thị trường

Theo ông Tú: “Để khách hàng bỏ ra vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua một bức tranh không phải là đơn giản. Tôi là họa sĩ nhưng cũng là một nhà kinh doanh nên chỉ dành cho mình một góc riêng cho dòng tranh sáng tác vốn rất kén khách mua. Tôi làm thêm dòng tranh chép, tranh in, tranh đá. Tôi cũng nhập thêm tranh thêu, tranh đồng về bán nên khách đến đây có cả ngàn sản phẩm để lựa chọn. Giá cả cũng rất đa dạng để khách bình dân cũng có thể mua được bức tranh ưng ý.”

Mở phòng tranh từ sở thích, nhưng người họa sĩ này luôn xác định đây là một ngành kinh doanh cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhanh nhạy với thị trường. Linh hoạt đáp ứng yêu cầu người mua nên ông cũng nhận dịch vụ đặt hàng theo yêu cầu. Hàng năm, ông Tú cũng xuất khẩu một số lượng tranh đáng kể sang nước ngoài theo đơn đặt hàng riêng.

Khách đến phòng tranh luôn được chào đón bằng sự nhiệt tình, vui vẻ. Theo ông Tú: “Người ta có yêu thích cái đẹp thì mới tìm đến phòng tranh. Tôi luôn đón tiếp mỗi người khách đến đây với tấm lòng trân trọng”.


Theo Báo Đồng Nai

.