Không chỉ xuất hiện tại các trung tâm vui chơi giải trí ở thành phố, điểm kinh doanh game bắn cá đang có mặt ở nhiều nơi, len lỏi vào tận ngõ ngách khu dân cư làm xáo trộn cuộc sống vốn yên bình ở các vùng nông thôn.
Một số người khẳng định, dường như danh sách những “con nghiện” game bắn cá ở một số địa phương huyện Vĩnh Cửu ngày càng dài ra, kèm theo đó là những hoàn cảnh gia đình bỗng chốc suy sụp với những món tài sản lần lượt “đội nón” ra đi. Ông H., một người dân ở ấp 4, xã Bình Lợi, ngán ngẩm: “Không biết game bắn cá hấp dẫn ở chỗ nào mà nhiều người từ tuổi trung niên, thanh niên đến trẻ em và cả phụ nữ cứ hễ mày mò thử chơi là “nghiện”, không dứt ra được. Đến nỗi thằng M. gần nhà tôi làm nghề rà cá, ngày kiếm được chưa tới 50 ngàn đồng cũng đem nướng hết vào game. M. trước đây chí thú làm ăn, từ ngày “dính” vào cuộc chơi này ngày nào cũng bỏ bê công việc, để rồi đem cầm cả xe máy”.
Thời gian qua, đường dây nóng Báo Đồng Nai cũng đã nhận được nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh về hệ lụy của game bắn cá. Giọng nghẹn ngào, chị T., công nhân ở Công ty Changshin Việt Nam ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) buồn bã kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Vợ chồng chị T. (quê An Giang) lên thuê nhà trọ tại xã Thạnh Phú để làm ăn. Chồng chị T. đi làm ruộng thuê tại địa phương và đảm nhận việc đưa đón con đi học mỗi ngày. Cuộc sống gia đình lao động với đồng lương công nhân của bản thân và tiền làm thuê của chồng dù không nhiều, song chị T. cảm nhận rất đầm ấm. Thế nhưng, từ ngày chồng chị mê game bắn cá rồi nợ nần chồng chất, dẫn đến chỗ thường xuyên kiếm chuyện gay gắt với vợ con. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã 3 lần vay mượn họ hàng tổng số tiền hơn 200 triệu đồng để trả nợ cho chủ tiệm game. Ấy vậy mà chồng tôi vẫn chưa tỉnh ngộ. Khổ nhất là con trai tôi học lớp 2 thấy cha vùi đầu vào trò chơi này nó cũng tập tành học theo. Nhiều hôm thay vì chở con đi học thêm, thì chồng tôi lại chở thằng nhỏ đến tiệm game để 2 cha con… chơi chung” - chị T. nói trong nước mắt.
Hệ quả khó lường
Nhiều người cho rằng, trò bắn cá thực sự đang gây “nghiện” cho người chơi, nhất là đối với ai có chút “máu me” cờ bạc. Để có thể thỏa mãn cơn “nghiện”, nhiều “game thủ” không ngần ngại cầm cố tài sản, thậm chí tìm cách trộm cắp để có tiền chơi game. Bà M., nhà ở phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa) than: “Dạo trước, mỗi lần đi siêu thị, tôi hay cho con tiền chơi game trong thời gian chờ đợi tôi mua hàng. Không ngờ thằng nhỏ bị “nghiện” game lúc nào không hay. Tiếp đến, cháu không chỉ trốn học mà còn trộm tiền của mẹ và cầm cố cả xe đạp để chơi. May mà gia đình phát hiện kịp thời nên ngăn chặn được”.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Th. Nh., ngụ KP.5, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cũng trải qua những ngày căng thẳng khi phát hiện đứa con đang học lớp 8 nghiện game. Toàn bộ học phí tiền học thêm, và ăn sáng cha mẹ cho, con anh Nh. đều “nướng” vào các “lò luyện game”. Khi phát hiện học lực của học sinh quá kém, giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên làm việc thì anh Nh. mới biết sự thật về con mình. “Bình thường nó đi học, về nhà vẫn lễ phép với cha mẹ. Không ai nghĩ nó lại “nghiện” game rồi bỏ học như vậy. Nếu không gặp giáo viên chủ nhiệm thì bây giờ tôi vẫn nghĩ con mình là học trò ngoan. Nhà tôi chỉ có 1 đứa con, nhưng cha mẹ đành phải bấm bụng để đưa nó vào trường nội trú nhằm cách ly với những tác động xấu bên ngoài” - anh Nh. rầu rĩ nói.
Có thể nói, game online nói chung và game bắn cá nói riêng hiện được xem là trò chơi để giải trí, bởi thực tế trò chơi này chỉ đơn thuần tích điểm ăn tiền xu. Tuy nhiên, qua nhiều lần đi xác minh thực tế, phóng viên Báo Đồng Nai chứng kiến hoạt động này không dừng lại ở thú tiêu khiển; ngược lại, ranh giới giữa giải trí và cờ bạc khá là mong manh. Do vậy, nếu các ngành chức năng không có phương án quản lý chặt chẽ thì trò chơi tưởng chừng vô hại sẽ biến tướng thành cờ bạc và để lại hậu quả khó lường cho xã hội.
Theo Báo Đồng Nai