Đã trở thành chu kỳ, những tháng cuối năm là thời điểm giới buôn lậu tập trung “đánh hàng” chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Dịp này, hoạt động vận chuyển hàng lậu lại sôi động.

 


Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - anh Vũ Huy Phước - cho biết: “Cửu vạn” đang chuyển hàng lậu, hàng giả từ Trung Quốc qua biên giới về bên mình, những bao hàng này được di chuyển qua sườn đồi, vách núi, những đường mòn lối mở qua cánh gà cửa khẩu Hữu Nghị (Đồng Đăng) xuống chân núi để tập kết, sau đó được xe máy chuyển ra cho các chủ hàng làm hóa đơn để chuyển về xuôi. Đây là một trong những điểm rất “nóng” về buôn lậu trên tuyến đường biên thời gian qua.

Đêm 12.10, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) chúng tôi được chứng kiến hàng trăm xe máy nườm nượp ra vào khu vực khe suối Nà Han chở hàng lậu ra đường Trục Chính, đường Bắc - Nam cửa khẩu Tân Thanh. Từ đó, hàng lậu len lỏi vào các ngõ ngách rồi được đưa vào các kho hàng nằm ngay cửa khẩu Tân Thanh.

Ông Vũ Quốc Ân - Chính trị viên đồn cửa khẩu Tân Thanh - cho biết, khu vực đường mòn khe suối Nà Han là nơi dân buôn lậu ngày nào cũng tập kết hàng. Tại vị trí đường mòn này, đơn vị chốt quân ngăn chặn 24/24h, nhưng thời điểm gần tết, dân buôn lậu mở rất nhiều đường mòn, lối mở, thậm chí cả ở khu vực núi cao người dân vẫn giăng dây để đưa hàng lậu từ biên giới về cho bằng được.

Đến các đường mòn Lọ Bon, khe Hòa Lanh, Dốc Bưởi, đường mòn 386… chúng tôi chứng kiến đội quân “xe ôm” không quản ngày đêm chở hàng lậu từ bên kia biên giới về. Để lực lượng “xe ôm” chở hàng lậu vô tư qua biên giới, có những đội “chim lợn” thường xuyên có mặt tại những điểm xung yếu để cảnh báo cho đội xe ôm và cửu vạn vác hàng lậu tránh lực lượng tuần tra biên giới.

Tại cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), đang có khoảng 20 đường mòn qua biên giới, trong số đó có những đường mòn ôtô, xe máy đi được. Nhiều đường mòn ở vào thế rất hiểm trở, do đó Đồn biên phòng Chi Ma không thể kiểm soát nổi. “Ở đây, dân buôn lậu chủ yếu vận chuyển gia cầm như gà, vịt…

Chủ hàng sang nhận hàng ở Trung Quốc rồi chở ra sát biên giới để “cửu vạn” gánh, vác qua đường mòn về bãi tập kết để chở ra thành phố Lạng Sơn, sau đó đưa sâu vào nội địa. Đằng sau mỗi chuyến hàng đều có đội “bảo kê” chốt chặn, gây khó dễ cho lực lượng biên phòng mỗi khi phát hiện” - ông Trần Văn Đức - Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma - cho biết.

Đi vào những đường mòn, lối mở của dân buôn lậu, chúng tôi nhận thấy các lối mòn này đều là nơi tiếp giáp biên giới. Tại đường mòn thuộc bản Kéo Khan mở ngay phía sau khu nhà dân, chúng tôi thấy đoạn đường gần 2km từ đường quốc lộ lên đến đường biên phải leo trên dốc núi cheo leo, dưới chân là những bãi đá đã nhẵn lỳ bởi bước chân đi qua của cửu vạn.

Thấy chúng tôi vất vả vượt qua quãng đường dốc, thượng tá Ninh Văn Hợp - Đồn trưởng Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - nói: “Địa hình này chưa nhằm nhò gì với các đối tượng buôn lậu đâu. Thậm chí càng mưa, càng khó đi, dân buôn lậu lại càng hoạt động mạnh. Đi hết đường là đến cột mốc biên giới 1112, chỉ một bước chân là đã ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Chính sách đang “tiếp tay” cho buôn lậu

Có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh trưa 13.10, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân Việt Nam đi sang phía Trung Quốc vác hàng về bãi tập kết, rồi tiếp tục quay lại bên kia biên giới vác hàng về. Chúng tôi hỏi: “Buôn lậu ngay trước mặt, sao lại không ngăn chặn, không bắt?”, ông Phùng Quang Hội - Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh - cho biết: “Đấy là những cư dân biên giới được nhà nước cho phép sang Trung Quốc mua hàng hóa mang về với trị giá 2 triệu đồng/người/ngày, họ chỉ cần xuất trình giấy thông hành là hợp pháp”.

Cũng tương tự, tại cửa khẩu Cốc Nam, một số đông bộ phận cư dân biên giới đang là người vác hàng thuê về nội địa cho các chủ hàng lậu một cách công khai, nhưng các cơ quan liên ngành không thể làm gì được. Với chính sách nêu trên, cư dân biên giới đủ mọi lứa tuổi đã bị giới buôn lậu lợi dụng và biến họ trở thành “cửu vạn” khuân vác hàng lậu với giá rẻ mạt, để hàng ngày “tiếp tay” cho buôn lậu hoành hành trên biên giới.

Theo lời kể của giới cửu vạn, họ vận chuyển hàng lậu quanh năm, mỗi ngày khuân hàng từ 10h đêm đến 3-4h sáng không kể nắng mưa. Đằng sau mỗi chuyến hàng lậu qua biên giới đều có chủ thu gom, rồi hợp thức hóa giấy tờ. Mỗi chuyến vác hàng như vậy, “cửu vạn” được trả 20.000 -30.000 đồng.

N.V.T (27 tuổi) - một “cửu vạn” trú tại Yên Dũng, Bắc Giang - kể với chúng tôi, do có người quen ở Lạng Sơn chỉ dẫn, nên lên đây làm xe ôm cho chủ hàng. Mỗi chuyến nhận hàng từ bãi tập kết của “cửu vạn” vác qua biên giới để chở đến nhà chủ hàng, T được trả công 20.000 đồng. Chở hàng trên xe nhưng T không biết đó là hàng gì, chỉ biết nếu mất hàng thì phải đền tiền. Làm cả ngày cả đêm cũng không hết việc, mỗi ngày trước khi đi làm phải đặt cọc 200.000 đồng cho chủ.

Khác với T, V.V.T (Tân Thanh) - là “cửu vạn” chính gốc “cư dân biên giới” cho biết: Mỗi cửu vạn vác được 70-80kg hàng trên đường mòn. Đi đêm có đèn pin soi, lại đông người, đi mãi thành quen nên trèo núi cao không sợ ngã, mỗi lần đi xuống bãi đưa tờ giấy giao cho chủ rồi nhận tiền, mỗi chuyến vác hàng qua lối mòn cũng được vài chục nghìn đồng.

Không phải lén lút hay vác hàng nặng và đi trên đường mòn lối mở, những cư dân biên giới công khai qua lại cửa khẩu đem hàng từ Trung Quốc về nội địa. Bà V.T.K (63 tuổi, Tân Thanh, Lạng Sơn) cho biết, gia đình có 5 người, ai cũng đi xách hàng cả, nếu không đi sang kia (Trung Quốc) kiếm hàng xách thuê thì không có tiền, chủ hàng người ta cho tiền để sang đấy lấy hàng về cho họ, mỗi ngày cũng kiếm được 30.000 - 40.000 đồng, họ bảo xách gì thì xách đấy, còn mang đi đâu thì không biết.

 

Theo Lao động

.