Mặc dù hoạt động mang tính chất lén lút, nhỏ lẻ mà thành phần chủ yếu là những đối tượng đã từng có tiền án tiền sự hoặc có chút số má trong đám giang hồ.
 


Chuyện là sau một thời gian làm lụng vất vả dành dụm được một số tiền, mẹ con chị T mua được lô đất ở Khu dân cư Văn Thánh, cất được căn nhà cấp 4 khá khang trang. Cần vốn cho con cái làm ăn, lại không tìm hiểu quy định pháp luật, chị T tìm đến một công ty TNHH ở phường Xuân An thế chấp giấy tờ nhà vay số tiền 100 triệu đồng, lãi suất 2 triệu đồng/tháng. Sau gần 1 năm trả lãi suất đều đặn, chị T có định hoàn trả vốn thì mới hay giám đốc công ty này đã phù phép đem toàn bộ giấy tờ nhà của chị T làm thủ tục bảo lãnh gởi vào một ngân hàng để vay thêm số tiền lên đến 400 triệu đồng. Ngày nhận được giấy mời trả nợ của ngân hàng với số tiền khủng trên, mẹ con chị T gần như rụng rời chân tay, vì biết đã gặp phải kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, bao nhiêu lá đơn khiếu nại, tố cáo của mẹ con chị T đều được các cơ quan chức năng trả lời là không đủ dấu hiệu khởi tố hình sự, vì mọi giao dịch dân sự vay mượn giữa chị T, ngân hàng và  giám đốc lừa đảo kia đều có giấy trắng mực đen.

Trước áp lực đòi nợ của ngân hàng, mẹ con chị T đành phải bán rẻ căn nhà mới xây cất được chưa đến 3 năm để thanh toán luôn cả khoản nợ gần 500 triệu đồng mà giám đốc công ty kia đã “vay ké” rồi thuê nhà ở trọ. Mặc dù rất uất ức nhưng với tờ giấy vay mượn chỉ có 100 tiệu đồng giữa chị với giám đốc công ty kia còn đó, mẹ con chị T quyết định thuê giang hồ để làm cho ra lẽ. Biết được nhu cầu của chị T, băng nhóm đòi nợ thuê do một người tên B ở phường H cầm đầu đã đến đặt vấn đề với chị T là nếu chúng đòi được trọn vẹn số tiền trên, chị T phải chi cho chúng theo tỉ lệ 50 - 50. Thấy số tiền “dịch vụ” quá cao, chị T  viện cớ vừa mới bán nhà trả nợ nên B thương tình đồng ý giảm xuống tỉ lệ còn 40 - 60. Mặc dù của đau con xót nhưng đã “phóng lao đành phải theo lao” nên chị T đành phải cắn răng chấp nhận. Tuy chỉ là thỏa thuận… miệng nhưng chỉ 3 ngày sau khi hợp đồng có hiệu lực, chỉ vài cuộc điện thoại, nhắn tin đe dọa giám đốc công ty lừa đảo, băng nhóm của B đã thu về được cho chị T được 20 triệu đồng. Tưởng rằng chỉ trong thời gian ngắn là sẽ thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất, chị T vui vẻ chi cho B khoản tiền dịch vụ theo tỉ lệ 40 - 60 như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, sau đó một tuần, B thông báo vì điều kiện khách quan, bọn chúng chỉ thu được tiền bằng cách trả dần 3 triệu đồng/tháng. Nghi ngờ khả năng băng nhóm của B “bắt cá hai tay”, dùng thủ đoạn để móc túi cả 2 bên nên chị T yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Đến lúc này băng nhóm của B mới lộ nguyên hình là những kẻ cướp khi những ngày sau đó, thậm chí đến ngày 30 tết vừa rồi mà bọn chúng vẫn liên tục nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa sẽ lấy mạng cả gia đình chị T, nếu không tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã giao kết…Với tâm trạng vô cùng phẫn uất và lo sợ, những ngày vừa qua chị T  đành phải quay lại nhờ cơ quan công an can thiệp…

Dịch vụ đòi nợ thuê - nguyên nhân và hệ lụy

Qua xác minh tìm hiểu, chúng tôi được biết thời gian vừa qua, do biến động của nền kinh tế thị trường, việc làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần đối với một số tổ chức cũng như người dân là điều không tránh khỏi. Với tâm lý e ngại khi vướng vào các thủ tục hành chính rườm rà của cơ quan pháp luật, một bộ phận nhỏ người dân và tổ chức đã cầu cứu đến các băng nhóm đòi nợ thuê mà không biết mình đã tự đưa chân vào cạm bẫy của đám giang hồ. Ngoài băng nhóm của B như chị T đã có đơn trình báo, chúng tôi được biết tại thành phố Phan Thiết hiện nay còn có rất nhiều tổ chức, dịch vụ đòi nợ thuê với những thủ đoạn tinh vi và vô cùng manh động.

Nguyên nhân hình thành những băng nhóm “đòi nợ thuê” này đầu tiên xuất phát từ những cá nhân, tổ chức tín dụng đen, chuyên cho vay nặng lãi. Để dằn mặt các con nợ với những khoản lãi suất ngất trời, các cá nhân tổ chức này thường cho đám đàn em giang hồ có chút số má đến đe dọa tính mạng hay xiết tài sản rồi cho bọn chúng ăn nhậu, chơi bời... bằng những đồng tiền bất chính. Sau một thời gian, biết được nhu cầu của các “đại gia” thừa tiền nhưng thiếu đức, một số tay “anh chị” đã tự đứng ra tổ chức, chiêu dụ các đàn em dưới trướng để sai khiến và dịch vụ đòi nợ thuê từ đó ra đời. Có cầu ắt có cung, mặc dù hoạt động lén lút, không mất nhiều thời gian, nhưng hết sức hiệu quả, dịch vụ đòi nợ thuê cứ thế phát huy tác dụng và mở rộng địa bàn. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính rườm rà của các cơ quan thực thi pháp luật cộng với  trình độ nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân cũng phần nào tạo điều kiện cho dịch vụ “đòi nợ thuê ” ngày càng sinh sôi, phát triển.

Tuy nhiên, ông bà ta thường nói: “Chơi dao ắt có ngày đứt tay”. Những ai vì bức xúc nên đã lỡ vướng vào các dịch vụ “đòi nợ thuê” thì xem như đã leo lên lưng cọp hoặc phải chung chi sòng phẳng theo tỉ lệ đã thỏa thuận hoặc bị mất trắng, đôi khi còn bị khủng bố tinh thần, đe dọa đến tính mạng... là chuyện bình thường. Điều bức xúc là mặc dù bị xâm hại nhưng hầu như có rất ít nạn nhân dám tố cáo hoặc khai báo cho các cơ quan chức năng. Trường hợp của chị T như đã nói chỉ là một điển hình.

Để hạn chế và đi đến xóa sổ các băng nhóm tội phạm trên, thiết nghĩ lãnh đạo các cấp ở thành phố Phan Thiết cần nhanh chóng triển khai, tiến hành xác minh những dịch vụ đòi nợ thuê mà người dân và cơ quan báo chí cung cấp để có biện pháp xử lý thích đáng. Bên cạnh đó việc tuyên truyền, vận động người dân không nên giao dịch và kịp thời tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng chuyên sống trên mồ hồi, nước mắt, thậm chí cả máu của người dân lương thiện…
 

Theo Báo Bình Thuận