(BVPL) - Đối với các “phượt thủ”, tuyến QL6 từ Hà Nội lên Tây Bắc dài hơn 500 cây số đèo dốc quanh co với rất nhiều những khúc cua tay áo, từng nấc từng nấc như đang đi lên đỉnh trời luôn là niềm cảm hứng bất tận. Đặc biệt với đèo Pha Đin được mệnh danh là “tứ đại đèo” của Tây Bắc và được gọi là nơi giao nhau giữa trời và đất. Thế nhưng xét về giao thông, đây luôn là một cung đường hãi hùng đối với những chuyến xe khách đường dài bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút đầy hiểm nguy, bất trắc. Vì thế, sứ mệnh hạ độ cao đèo Pha Đin đã được đặt ra một cách cấp thiết để QL6 về Tây Bắc được an toàn, thuận tiện hơn.
Đèo Pha Đin và con đường kéo pháo vào Điện Biên
Đối với tôi, ấn tượng về đèo Pha Đin nhiều nhất có lẽ là những lần tháp tùng các đoàn công tác từ Hà Nội lên Điện Biên. Có thể vì tuyến QL6 mấy năm trước đi lại quá khó khăn, đặc biệt là phải vượt qua đoạn đèo quá hiểm trở nên cứ mỗi khi có khách đến thăm, lãnh đạo của tỉnh Điện Biên thường cử đại diện đứng trên đỉnh đèo Pha Đin để đón khách. Đây cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên từng được xác định bằng cuộc đua ngựa để phân chia địa giới năm nào. Chuyện kể khi ấy, để xác định địa giới giữa Lai Châu và Sơn La người ta đã tổ chức một cuộc đua ngựa xuất phát từ hai bên chân đèo Pha Đin. Vì ngựa của phía Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
Thế nhưng nhắc đến đèo Pha Đin sau này, có lẽ ít ai không biết đến câu thơ: “Đèo Pha Đin chị gánh anh thồ” để miêu tả cảnh tiếp vận vũ khí đạn dược chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, đoạn đèo này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần gan dạ, dũng cảm với gần 10 nghìn thanh niên xung phong “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi ấy, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của Việt Minh, Tướng Pháp De Castries đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin là một trong số những điểm hứng chịu nhiều bom đạn nhất. Vì thế, trên đỉnh đèo Pha Đin hiện vẫn còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.
Đèo Pha Đin chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, bắt đầu từ đèo Pha Đin, qua nhiều đèo, nhiều dốc, nhiều vực sâu, núi cao đến điểm cuối là nơi những viên đạn pháo rời nòng súng, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries… Cái đèo dài mấy chục cây số, vòng vèo lên xuống mà máy bay Pháp cứ lượn lờ bên trên bắn phá làm nhiều xe ô tô, xe tải xe chở gạo bị cháy. Lúc ấy, cả hai bên cứ phải lừa nhau từng miếng một để đi qua cái đèo ấy. Đấy cũng chính là ấn tượng để nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác nên bài hát “Hò kéo pháo”.
“Hạ sơn” làm đường mới vượt Pha Đin
Vào trước những năm 2000, người ta thường đọc chệch QL6 là “quốc lộ xấu”, bởi nó đã xuống cấp trầm trọng. Đèo Pha Đin với tám khúc cua tay áo cực kỳ nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15 m, nhiều đoạn có độ dốc dọc rất lớn, kéo dài liên tục, từ 12% đến 15%, cục bộ có điểm tới 19%. Không thể đếm xuể những khúc cua tay áo, chữ A, chữ Z, nhiều đoạn cua chỉ đủ cho một ôtô đi qua. Không chỉ khó đi, trên đoạn đèo Pha Đin còn thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn xe khách bị lao xuống vực sâu. Cũng vì thế, những chuyến xe đi trên tuyến đường này thường phải đi như rùa bò khiến đường lên Tây Bắc vô cùng xa xôi, cách trở. Đây cũng chính là lý do khiến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt quyết tâm thực hiện việc cải tạo, nâng cấp tuyến QL6 và hạ thấp độ cao đèo Pha Đin.
Là những người đầu tiên tham gia thi công dự án cải tạo tuyến Pha Đin, ông Lương Văn Long lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 thuộc PMU 1 tâm sự: “Khi ấy các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành GTVT đã khảo sát, nghiên cứu hướng tuyến mới của QL6 tránh đèo Pha Đin nhưng phải dừng lại do địa hình độ dốc lớn, địa chất phức tạp, dễ xảy ra sụt, trượt vào mùa mưa. Khi dự án này được phê duyệt, nhiều chuyên gia trong ngành đã phản đối vì cho rằng đây là việc làm không tưởng, thiếu tính khả thi bởi độ dốc lớn rất dễ sụt trượt. Tuy nhiên, đầu năm 2005, dự án vẫn được thực hiện.
Sau nhiều năm xây dựng từ năm 2006 – 2009, Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo, tổng mức đầu tư hơn 1.165 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Ban QLDA 1 (PMU 1) làm đại diện chủ đầu tư cũng đã được hoàn thành.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường mới đã giải quyết cơ bản các đoạn cua gấp khúc của đèo Pha Đin, rút ngắn khoảng cách so với tuyến cũ hơn 10 km. Riêng tuyến tránh Pha Đin, các đơn vị thi công đã đào đắp gần một triệu m3 đất đá, xây sáu cầu cạn nằm trong đường cong địa chất phức tạp. Sau khi có con đường, nhiều người dân từ các bản, làng xa xôi đã về lập nghiệp, dựng làng mới. Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới, sắm xe khách giường nằm chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên. Chỉ sau một đêm ngủ trên xe, sáng dậy, hành khách đã có mặt tại Hà Nội.
Bây giờ, đèo Pha Đin có lẽ chỉ là cung đường khám phá dành cho những tay “phượt thủ” ưa thích mạo hiểm. Chiều dài tuyến tránh hơn 11 km (ngắn hơn 2,3 km so với tuyến cũ) và giảm số vụ tai nạn giao thông đi nhiều, thời gian chạy xe rút xuống chỉ còn một nửa so với trước đây. Khi chưa có tuyến tránh, đi từ Tuần Giáo đến đỉnh đèo thông thường mất khoảng từ 45 đến 60 phút, nay chỉ còn khoảng từ 20 đến 25 phút.
Nhóm PV