Trong kí ức bé thơ của tôi, đó chỉ là một con đường đất đỏ, nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đầy cỏ đá, lúc nào bụi cũng tung mờ mịt đến khó chịu; những ngôi nhà bé xíu hai bên đường luôn phải giấu mình sau lớp bụi đất dày nhem nhuốc… 
 
 
Đi dọc chiều dài con đường mới thấy hết “trục xương sống” làm điểm tựa quan trọng cho những con đường ngã tư vắt ngang qua thân. Không nói quá khi xem đường CMT8 là cây đòn gánh, nối liền trung tâm thành phố với vùng Hòa Xuân vốn cách biệt khi chưa có những cây cầu bắc ngang qua. Dấu ấn những cây cầu của Đà Nẵng trên con đường này là cầu Hòa Xuân và cầu Nguyễn Tri Phương.
 
Dù có những đoạn ồn ã xô bồ như vòng xoay CMT8 – Nguyễn Hữu Thọ, hay ngã tư CMT8 – Ông Ích Đường thì con đường vẫn có những khoảng lặng thanh bình. Đó là những vườn cây xanh um, được trồng tại điểm đầu và cuối đường CMT8, đóng vai trò như màng lọc không khí cho thành phố.
 
Càng xuôi về phía cầu vượt Hòa Cầm dẫn lên tuyến QL 14B, con đường càng đông đúc xe cộ trên tuyến giao thông quan trọng nối liền thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam thông qua vành đai phía Nam ngược ra phía biển.
 
Vùng đô thị phía Nam giờ đây đang định hình, tạo dáng cảnh quan, kiến trúc hài hòa trên vùng đất rộng lớn… Cứ như thế, đường CMT8 lặng lẽ dịch chuyển, từ mộc mạc, thô sơ đến ồn ã, hiện đại như ngày nay. Nó như một dấu gạch nối lịch sử từ quá khứ đến tương lai, để nhắc nhở con cháu hôm nay về công lao hy sinh của cha ông và trách nhiệm với đất nước hôm nay.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.