(BVPL) - 12 giờ đêm ngày 30/4/1975, tiếng súng giải phóng Sài Gòn đã yên khắp mọi nơi. Có một người đàn ông khoan thai, lặng lẽ trong đêm tối, trở về mái ấm gia đình ông đã xa cách gần 30 năm. Đó là cụm trưởng tình báo H.63: Đại tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang.
Tham gia hoạt động, nhưng ông lại chưa biết gì về Đảng cộng sản. Lý do đơn giản nhất ông vào Đội tiền phong là vì thấy vui. Rồi giặc Tây về làng kiếm một người thông ngôn, cả làng chỉ mỗi Tàu biết tiếng Pháp, nên lúc nào Tàu cũng phải đảm nhận công việc phiên dịch. Tàu ghét làm việc cho Tây, nên khi biết chuyện người Tây đang tuyển mình làm thông ngôn, ông ở luôn trong rừng, không về nhà nữa, để lại người vợ mới cưới được một năm (năm 1947). Việc ông mất tích, người làng cho rằng Tàu đi làm thông ngôn cho Tây, nhưng cũng nhiều tin đồn ông theo Việt Minh vào rừng.
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Trong thời gian ở ngoài Bắc, biết sẽ có ngày trở vào Nam hoạt động bí mật, nên Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) ra sức học tập nghiệp vụ. Vốn nổi tiếng là người có nhiều tài lẻ, lại thông minh nên ông học cái gì cũng nhanh, từ chụp ảnh, lái xe, viết văn… cho đến nhiều “ngón nghề” khác để sau này có “vốn” phòng thân. Năm 1961, ông quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Đến tháng 4/1962, tại chiến khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh, ông được Phòng Tình báo Miền giao nhiệm vụ chỉ huy Cụm tình báo H.63, cụm tình báo phục vụ hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người mang biệt danh Hai Trung, một con “át chủ bài” của tình báo Việt Nam đang hoạt động bí mật trong lòng địch ở nội đô Sài Gòn.
Thời kỳ đầu, H.63 là bộ phận tình địch của Thành ủy Sài Gòn. Khi Hai Trung (X6, Phạm Xuân Ẩn) từ Mỹ trở về, hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài, ông Mười Nho (Xuân Mạnh, Nguyễn Nho Quý - cán bộ Cục Tình báo) là người trực tiếp chỉ đạo. Năm 1962, ông Mười Nho bị bệnh, không thể chỉ huy H.63.Cả mạng lưới với một điệp viên đã nằm sâu trong lòng địch như Hai Trung, cần một chỉ huy giỏi và mưu trí. Tư Cang là người được ông Ba Trần, Thủ trưởng Phòng tình báo miền lúc bấy giờ lựa chọn.Tháng 5/1962, Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H.63. Ông đã tổ chức, xây dựng được căn cứ của một cụm tình báo đủ các điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu thập tin tức về địch, luôn bám sát thực tế, sâu sát cơ sở, nghiên cứu tình hình cụ thể.
Tháng 3/1970, ông được giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đội 022B (Đặc công biệt động) hoạt động rất hiệu quả trên đất Campuchia, sau đó được điều trở lại là Phó Chính ủy, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Phòng Tình báo Miền (J22). Giữa năm 1972, ông lại được tăng cường trở lại làm Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63. Vừa làm nhiệm vụ thu thập tin tức vừa chỉ huy đơn vị vũ trang của cụm chống càn có hiệu quả, tiêu diệt được nhiều địch. Đầu năm 1973, ông được rút về căn cứ Bộ Chỉ huy Miền, tiếp tục nhận chức vụ Phó Chính ủy Phòng Tình báo Miền. Tháng 10/1973, ông được cử ra Bắc học tập. Chưa được một năm, ông được điều trở lại miền Nam, đảm nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, đơn vị mà từ cán bộ chỉ huy đến chiến sỹ phần lớn là của Phòng Tình báo B2 (J22). Lữ đoàn có nhiệm vụ đánh thọc sâu vào những nơi hiểm yếu, trước những cây cầu trong thành phố, dẫn đường góp phần đảm bảo cho cơ giới tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn năm 1975... Ông đã chỉ huy Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong khoảng thời gian gần 30 năm xa gia đình, ông và vợ con chỉ gặp nhau một vài lần, dù ở ngay trong thành. Tư Cang bảo, ông luôn ghìm mình, răn mình để tuyệt đối giữ bí mật, bảo vệ điệp viên, bảo vệ mạng lưới.
Đến... xạ thủ kiêm nhà văn
Trước khi ra Bắc tập kết, Nguyễn Văn Tàu (lúc này đổi tên là Trần Văn Quang) ít được tiếp xúc với súng đạn. Những năm sau đó, ông được đơn vị huấn luyện nhiều về khoa mục bắn súng. Chiều nào trong đơn vị cũng có 10 phút ngắm súng bắt buộc. Ban đầu tập bắn, ông bắn rất tệ. Không nản, Quang chuyên cần luyện tập. Đơn vị đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), cứ ngày nghỉ mấy anh em thích súng lại rủ nhau vào núi tập bắn. Chẳng bao lâu, Quang trở thành xạ thủ của Sư đoàn 338. Đã thành xạ thủ khi bắn tay phải, Quang tiếp tục học bắn tay trái. Lý do bắn súng cả hai tay ông đưa ra rất đơn giản: Khi trở vào Nam hoạt động, rủi có bị địch bắn cụt một tay thì vẫn còn bắn được bằng tay kia. Ông tập bắn không nheo mắt ngắm, mà mở cả 2 mắt. ông giải thích với cấp dưới: nếu bắn liên tục, nheo mắt sẽ rất mệt, tinh thần sẽ không vững.
Năm 1956, với cương vị Trung đội trưởng Đại đội thông tin, Trần Văn Quang được phân công trực tiếp huấn luyện cho đại đội về môn bắn súng.
Bắn tay phải luôn đứng nhất, nhì sư đoàn, ông liên tục được cử đi thi hội bắn quân khu Tả Ngạn, xạ thủ toàn quân. Ở những cuộc thi này, Trần Văn Quang chỉ thua 3 kiện tướng thời bấy giờ ở miền Bắc là Trần Oanh, Trần Minh, Hồ Xuân Kỷ. Nhưng khi Quang gạ bắn bằng tay trái, mấy kiện tướng đều từ chối. Biệt tài bắn súng hai tay bách phát bách trúng của Trần Văn Quang đã nổi tiếng toàn quân.
Bên cạnh việc giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, có biệt tài bắn súng bằng 2 tay, những tài như: lái xe, chụp ảnh, viết văn của Trung đội trưởng Trần Văn Quang cũng được phát huy tối đa. Đặc biệt là việc sáng tác văn thơ. Ông thấy các nhà văn Phùng Quán, Trần Dần viết nhiều bài hay, trong khi đó thời gian ông hoạt động trong Nam trước khi đi tập kết có rất nhiều chuyện hay, có thể trở thành đề tài để khai thác. Cứ đêm đêm, ông không bỏ sót một chương trình văn nghệ quân đội nào trên radio. Rồi ông lọ mọ học cách viết của những người đi trước...
Những ngày đầu mới viết, những sáng tác của ông không được anh em trong đại đội đón nhận nồng nhiệt lắm, bởi thường sau khi đọc một tác phẩm vừa sáng tác xong, ngó xuống thấy anh em về sạch, chỉ còn 2, 3 người thân nhất... cố ngồi “chịu đựng”. Và sau những lần như vậy, ông sửa lại, viết ngắn và cô đọng, súc tích hơn. Lại gọi anh em đến nghe. Nể Trung đội trưởng, anh em lại ngồi nghe nhưng vẫn về... rải rác. Và lần sửa cuối cùng, anh em đại đội lại đến nghe. Quang đọc xong, nhìn xuống thấy mọi người vẫn... trật tự ngồi nghe. Lần này là những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Sau đó, Quang gửi bài đó ra báo Thống Nhất tham dự cuộc thi những truyện sâu sắc nhất thời kháng chiến. Thật bất ngờ, tác phẩm của ông đoạt giải khuyến khích và được nhuận bút 7 đồng.
Thanh Phong