“Xe dù” biến thành “xe nhà”
Một buổi sáng đầu năm 2016, trong vai người tìm xe đưa người nhà về Quảng Ngãi, chúng tôi đến trước Bệnh viện Hoàn Mỹ trên đường Nguyễn Văn Linh, lập tức được cánh xe ôm ở đây cho biết: “Trước cổng bệnh viện không có đâu, anh phải qua đường Hàm Nghi, đường Đào Duy Anh hoặc Nguyễn Hữu Thọ cứ thấy xe nào 7 chỗ mang biển số 76 hỏi là có ngay”.
Quả đúng như vậy, khi chúng tôi đến đường Hàm Nghi thì thấy một chiếc Toyota Innova đỗ sát vỉa hè. Nghe tôi hỏi xe về Quảng Ngãi, anh tài xế đang nằm trên ghế nhổm dậy nói: “Anh đi à? Tụi em chạy hằng ngày, khoảng chừng 3 giờ rưỡi đến tầm 5 giờ chiều là về, tùy khách”.
Tài xế này cho biết, trước đây chạy xe loại 12 chỗ ngồi, chủ yếu đưa bệnh nhân và người nhà từ Quảng Ngãi ra các bệnh viện ở Đà Nẵng khám chữa bệnh, nhưng lực lượng chức năng ở Đà Nẵng làm căng quá, nên phải chuyển sang loại 7 chỗ “ngụy trang” thành “xe nhà” dễ chạy hơn. “Mình đi xe này coi như không sợ gì nữa vì là “xe nhà” đưa người thân đi khám bệnh thôi”, tài xế giải thích.
Chúng tôi về đường Cách mạng Tháng Tám thì gặp một chiếc “xe nhà” biển số 76 đỗ sát vỉa hè. Anh tài xế cho hay, trước đây trên đường Nguyễn Hữu Thọ có rất nhiều xe chờ khách, nhưng gần đây thấy có xe của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông qua lại nhiều lần nên về đây chờ khách.
Gần cả tuần lễ trong vai tìm xe về Quảng Ngãi, Gia Lai…, chúng tôi thấy cánh “xe dù” loại từ 17 - 25 ghế ngồi gần như không còn nữa, thay vào đó loại xe 7 chỗ, thậm chí có cả xe 4 chỗ và tất cả đều dưới dạng “xe nhà”, không ngông nghênh quần đảo đón khách như trước đây.
Cũng có một số xe loại 12 chỗ vẫn còn hoạt động, nhưng không tập trung ở trung tâm thành phố mà đưa xe về các khu dân cư ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn... chờ “gom” đủ khách là chạy. Những xe này thường khởi hành từ Đà Nẵng vào lúc chập choạng tối và đi trong đêm để tránh sự kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Vì sao “xe nhà” vẫn có đất sống?
Trong nỗ lực xóa “xe dù”, “bến cóc”, cuối năm 2014 thành phố đã cấp phép cho Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Hải Vân mở thêm tuyến xe buýt có điểm xuất phát gần Âu thuyền Thọ Quang đi qua các khu vực có nhiều công nhân, sinh viên, Bến xe Trung tâm thành phố... và điểm cuối là xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Với lộ trình này, đơn vị kinh doanh hy vọng sẽ thu hút được lượng khách lớn đi xe buýt và như vậy sẽ xóa được nhiều “bến xe cóc” dọc đường. Thế nhưng, thực tế sau vài tháng hoạt động, tuyến xe buýt này đành phải dừng vì quá ít khách.
Tìm hiểu vấn đề này từ những hành khách, chúng tôi đều nhận được câu trả lời giống nhau là đi “xe nhà” được đưa và đón tận nơi, thời gian nhanh hơn và giá cả cũng rẻ hơn. Những người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Đà Nẵng khám chữa bệnh càng khẳng định rằng chỉ có đi “xe nhà” mới tốt nhất, tiện nhất và bảo đảm sức khỏe nhất.
Thậm chí, những công nhân làm việc tại Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang còn nói rằng, nếu đi xe buýt về Bến xe trung tâm mà không thu tiền cũng không đi, vì mất nhiều thời gian, nhất là khi về đến địa phương phải tìm xe đi tiếp, rất bất tiện. Còn đi “xe nhà” sẽ được đón ngay tại nhà trọ, chạy thẳng về đến nhà, rất tiện lợi.
Cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân rất cao, vì vậy đây cũng là dịp làm ăn tốt nhất của cánh “xe nhà”. Biết vậy, nhưng xem ra việc xử lý “chiêu” mới này của “xe nhà” là bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng thành phố.
Theo Báo Đà Nẵng