TP.HCM là đô thị phồn hoa tráng lệ, một thành phố không ngủ với các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, đối với nhiều người, nét đẹp của thành phố nằm ở những tòa nhà với kiến trúc độc đáo hay những người gắn bó với công việc vì tình yêu, sự chung thủy với nghề.


Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ khoảng 8 giờ, kết thúc lúc 16 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu, ngày nào cũng như ngày nào. Trong suốt bao năm, ông vẫn chạy một chiếc xe đạp cũ mèm để đi làm. Ông bảo: “Đạp xe cho nó khỏe, vận động giúp ít bệnh hơn”. Tuy nhiên, khi hỏi thăm những người làm việc tại bưu điện, họ nói ông mắc nhiều bệnh, gần đây hơi yếu hơn mấy năm trước, nhưng chỉ khi nào bệnh đi nhà thương thì mới nghỉ, chứ trái gió trở trời bình thường thì ông Ngộ vẫn cố gắng đi làm.

Ông kể về cuộc đời của mình rất rành mạch và ánh trong đôi mắt sáng là một sự tự hào thấy rõ. Ông sinh ra cạnh ga xe lửa đi Mỹ Tho thời đó (hiện nay là vòng xoay Phú Lâm, Q.6), theo học tại Trường Tiểu học Phú Lâm - một ngôi trường đậm kiến trúc Pháp. Khoảng thời gian học tiểu học được “người viết thư thuê cuối cùng” này chia sẻ là bước ngoặt để ông đến với nghề dịch thư: “Chương trình tiểu học hồi xưa hay lắm. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp từ lớp hai, đến hết chương trình tiểu học là tôi với mấy ông cỡ tôi tuổi bấy giờ ai cũng giỏi tiếng Pháp”.

Dù gia đình không khá giả nhưng cha mẹ vẫn cố gắng để ông Ngộ được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1946 đánh dấu thời điểm ông “bén duyên” với công việc tại bưu điện, lúc đó là Bưu điện Thị Nghè - gần nơi ông sinh sống. Hai năm sau, ông thi đậu vào Bưu điện Sài Gòn (giờ là Bưu điện TP.HCM) và gắn bó với nơi này trong hơn 40 năm với vai trò là một bưu tá, đến tận khi ông nghỉ hưu.

Tuy nhiên, mới về nhà nghỉ ngơi được vài bữa, ông thấy buồn buồn nên cùng với những người đồng nghiệp xin Ban giám đốc bưu điện cho mình quay lại với một nghề mới - viết thư thuê. Ban giám đốc cũng vui vẻ đồng ý và dành cho các cụ một góc bưu điện. Đến nay thì các cụ đều đã mất, chỉ còn mình ông gắn bó với công việc này.

Trong lúc trò chuyện thì ông có khách - một cụ bà khoảng hơn 70 tuổi, ông bảo đây là khách quen mười mấy năm rồi, chủ yếu là điền vào giấy tờ để bà gửi hàng sang bên Mỹ cho người quen. Ông chăm chú dùng kính lúp soi từng chữ, tay còn lại chậm rãi viết đều. “Cứ vài tuần là tôi lại ra đây nhờ ông điền giúp mấy cái đơn gửi hàng. Suốt hơn chục năm, chưa bao giờ hàng của tôi bị thất lạc”, người khách tên Thủy tâm sự.

Ông hiện đang sống cùng vợ và hai người con gái, những người con khác giờ đều đã ra ở riêng. Gánh nặng cơm áo gạo tiền chẳng còn, ông đi làm chỉ vì tình yêu nghề, lấy đó làm niềm vui tuổi già và gìn giữ một nét đẹp của TP.HCM.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng
.