Trong khi nhiều người háo hức mua sắm Tết mọi lúc, mọi nơi thì nhiều công nhân lại tranh thủ đi chợ sắm Tết vào lúc nửa đêm. Phần vì cuối năm phải tăng ca liên tục, phần vì chợ đêm giá khá rẻ.
 
Với đồng tiền thưởng ít ỏi, họ chỉ dám mua quần áo giá rẻ như bèo
Với đồng tiền thưởng ít ỏi, họ chỉ dám mua quần áo giá rẻ như bèo

 

Đi chợ sắm Tết lúc nửa đêm
 
10h đêm, hội chợ mua sắm cho công nhân trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2 có cảnh mua bán tấp nập hơn ban ngày. Các mặt hàng quần áo, giày dép, bánh kẹo, giỏ quà Tết đến những chiếc rổ, rá nhựa, xà phòng… thu hút khá nhiều người ghé mua.
 
Các hàng xà phòng, rổ rá, thau nhựa có giá bèo thu hút hàng trăm người vây quanh, sau đó tới mặt hàng quần áo. Chủ một cửa hàng bán quần áo tại đây cho biết, hội chợ mở cả ngày nhưng đông nhất là khoảng 21h – 23h30.

 

Giá hàng ở chợ đêm quận Thủ Đức chỉ từ 20 - 90 ngàn.
Giá hàng ở chợ đêm quận Thủ Đức chỉ từ 20 - 90 ngàn.
 
Từ nhiều tuần nay, chị Nguyễn Thị Tú, công nhân Công ty dệt Việt Thắng đã “tối mắt tối mũi” vì tăng ca. Chị chọn cách đi chợ sắm Tết vào ban đêm vì mãi đến ngày 20 âm lịch chị mới được tiền thưởng Tết. Song nguyên nhân chính khiến chị tranh thủ vào thời điểm này là vì hàng ban đêm là hàng ban ngày chưa bán hết nên sẽ rẻ hơn, chị sẽ sắm được nhiều thứ hơn.
 
“Vậy mà mấy triệu tiền thưởng cũng hết bay”, chị Tú nói.
 
Theo tính toán của chị, Tết này chị không về quê nên sẽ gửi 5 triệu cho ông bà nội, ngoại sắm Tết, số còn lại chị sẽ mua những thứ cho gia đình mình. “Đầu tiên là mua bộ quần áo mới cho con gái, một đôi giày mới cho chồng, rồi bánh kẹo, mứt Tết, đồ khô… Nhất là phải mua mấy thùng bia 333 cho có không khí Tết. “Nếu dư sẽ mua một đầu đĩa nghe nhạc và mấy đĩa nhạc xuân, hài Tết về nghe nữa”, chị Tú nhẩm tính.
 
Tại chợ Bắc Ninh, đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức, cứ 19h người đã kéo đến chật cứng cả một ngõ nhỏ, chủ yếu là công nhân và sinh viên. Nhiều tấm biển “Giảm giá 50%”, “Mua 1 tặng 1” cùng tiếng rao hài hước: “Hàng xịn giá như giẻ rách.”… khiến khu chợ tấp nập hơn.
 
Xem kỹ từng đường kim mũi chỉ trên chiếc áo ưng ý, chị Trần Thị Bé, công nhân may KCX Linh Trung bùi ngùi: “Ngoài Bắc giờ lạnh lắm, phải mua một chiếc áo thật ấm cho mẹ mặc đi chơi Tết. Tuy không về được nhưng mẹ phải có áo đẹp, phải có cái Tết đàng hoàng”.
 
Còn anh Nguyễn Văn Hồng, công nhân may KCX Linh Trung, sau khi đi vòng quanh khu chợ đã quyết định mua cho mình một chiếc áo sơ mi kẻ ca rô với giá 150.000 đồng. “Tết phải mặc chiếc áo mới cho lịch sự, chứ mang tiếng từ Sài Gòn về mà ăn mặc bệ rạc quá,”. Anh Hồng cũng chọn được một đôi giày mới giá 120.000 đồng cùng vài bộ quần áo cho bố và các em ở quê diện Tết.
 
Quà Tết đơn sơ, tình sâu nặng
 
Tại chợ nông sản Thủ Đức, vợ chồng chị Phượng (quê Bình Thuận) dậy từ lúc 2h sáng để chực chờ mua đồ khô, thực phẩm Tết tại đây. Chị kể: “Thưởng Tết của 2 vợ chồng chỉ được 10 triệu mà phải lo nhiều thứ nên chịu khó đi chợ lúc đêm hôm sẽ mua được giá rẻ, nhất là mua được nhiều thịt heo tươi, ngon, rẻ để xay giò, chả”. Chị cho biết thêm, năm rồi khó khăn nên Tết xuề xòa quá, năm nay được hơn chút thì làm ít giò chả cho cậu con trai ở nhà đỡ tủi với bạn bè.

 

 
Không riêng gì chị Phượng, nhiều bà mẹ khác cũng tranh thủ đi chợ sớm để chọn miếng thịt ngon làm giò, chả. Năm nào cũng vậy, càng gần Tết bao nhiêu, giá thịt heo lại tăng bấy nhiêu.
 
Chị Hạnh khệ nệ với những bịch trái cây tươi rói, nào dưa hấu, vú sữa, thanh long vừa mua được. Chị nói: “Họ hàng trong này đông quá nên phải mua sớm rồi đi chúc Tết luôn từ bây giờ để còn về quê lo Tết cho cha mẹ già nữa. Mua sớm rẻ được đồng nào hay đồng ấy”.
 
Cũng theo chị Hạnh, đã 10 năm rồi, vợ chồng chị không về quê. “Theo chồng con vào đây với hy vọng thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn ở quê và được đổi đời. Ai ngờ đến giờ đã hơn 10 năm rồi mà một tấc đất cắm dùi cũng không có. Quanh năm ngày tháng phải đi ở trọ. Công việc thì liên tục khó khăn, hết thất nghiệp lần này đến lần khác”, chị bùi ngùi.

 

 
Cách đây mấy tháng, chồng chị còn làm lái xe cho một công ty vật liệu xây dựng ở Q.9, vậy mà đùng một cái công ty phá sản khiến anh thất nghiệp. "Giờ thì làm ở Q.2 nhưng cũng chỉ là tạm bợ thôi”, chị Hạnh chia sẻ.
 
Theo chị Hạnh, những ngày thất nghiệp, chồng chị thường uống rượu và trở nên rất bẳn tính, lầm lì. Hơn nữa do đã hơn 40 tuổi nên khi đi xin việc cũng rất ít nơi nhận anh vào làm. Chỉ đến khi có việc, anh mới tươi tỉnh lên chút ít nhưng công việc quá nặng nhọc khiến người anh cứ “gầy nhẳng gầy nhằng”. Do đó, Tết này chị muốn sắm nhiều thực phẩm có vị béo để tẩm bổ cho chồng và mua vài bộ đồ mới cho 2 đứa con. Chị cũng dành dụm một ít tiền thưởng Tết gửi về ông bà ở quê.
 
Còn với những công nhân chưa lập gia đình và ăn Tết trong Sài Gòn thì việc đi chợ đêm chỉ vui là chính. Nói về việc chuẩn bị đón Tết, anh Ngọc cho hay: “Anh không chuẩn bị gì cả. Chiều 30 Tết, đi mua ít rau, ít thịt về làm mâm cơm gọi là tất niên với anh chị em đồng hương cho bớt nhớ nhà thôi.”
 
Cái Tết Giáp Ngọ đang đến rất gần, người lo mua sắm cho gia đình và người thân, người lo trang hoàng lại nhà cửa… Dù kinh tế năm nay không ý như muốn, thì họ vẫn cố gắng sửa soạn cho được một cái Tết tươm tất.
 
Theo Infonet