(BVPL) - Trong vòng 5 năm (2007- 2012), huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có 1.063 trường hợp tử vong vì ung thư, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư tăng theo các năm và có nguy cơ trẻ hóa. Nguyên nhân của căn bệnh quái ác này vẫn chưa có lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng nhưng thực tế, người dân nơi đây đang phải hứng chịu nguồn khí thải độc hại từ 11 nhà máy xi măng, cùng các cơ sở sản xuất thép, khai thác than, sản xuất hóa chất... và nhiều khu công nghiệp.
 


Hiện tại, số bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư còn sống tại 25 xã, thị trấn là 199 người, trong đó cao nhất là xã Minh Tân 27 người, xã Duy Tân 20 người, xã Phú Thứ 15 người…

Ông Hoàng Văn Khang (SN 1956) thôn Trại Xanh, Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương bị mắc bệnh ung thư cho biết: “Ở thôn, những trường hợp đang phải điều trị ung thư như tôi có tới hàng chục người, người đã chết vì căn bệnh ung thư này thì nhiều lắm, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 4 người chết. Tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác định nguyên nhân gây ung thư nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Người dân chúng tôi đang phải tự bảo vệ mình trước khói bụi bằng cách ở nhà thì đóng kín cửa, ra ngoài thì bịt khẩu trang, nấu ăn bằng nước sạch”.

Được biết, khoảng 20 năm nay, dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy đoạn chảy qua địa phận xã Duy Tân (Kinh Môn- Hải Dương) là trung tâm của Cụm công nghiệp Nhị Chiểu (thuộc huyện Kinh Môn với 5 xã Minh Tân, Duy Tân, Phú Thứ, Tân Dân, Hoành Sơn) là nơi có mật độ nhà máy, xí nghiệp dày đặc. Chỉ tính riêng xã Duy Tân đã có tới 4 nhà máy xi măng, hơn 20 lò vôi, 2 mỏ đá, một số xưởng cơ khí, hóa chất. Đầu năm 2013, một số xã, thị trấn của huyện Kinh Môn đã được chính quyền hỗ trợ lắp đặt, sử dụng nước máy. Tuy nhiên, nguồn nước máy lại được lấy từ nước của sông Kinh Thầy - con sông đang bị “ô nhiễm” do nguồn thải từ các công ty, doanh nghiệp và 33 bãi sàng, tuyển than.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, trên địa bàn huyện Kinh Môn có tới 11 nhà máy sản xuất xi măng, đa số các công ty sản xuất xi măng này vẫn còn sản xuất bằng công nghệ lạc hậu (công nghệ lò đứng) và trong quá trình sản xuất lại thải ra khói bụi, các chất thải độc hại khiến không khí ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Từ thực tế trên, việc người dân cho rằng 1.063 trường hợp chết vì ung thư tại huyện Kinh Môn có liên quan đến việc môi trường  bị ô nhiễm có thể có cơ sở.

Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn cho biết: Số người bị ung thư có tăng. Năm ngoái, chúng tôi đã cử cán bộ làm đề tài cấp huyện  nghiên cứu về vấn đề này. Môi trường sống của nhân dân có bị ảnh hưởng do tác động của ô nhiễm môi trường, nhưng mức độ ô nhiễm tới đâu, ô nhiễm môi trường có phải là nguyên nhân chính gây ra ung thư không thì cần có sự vào cuộc đánh giá của các cơ quan chức năng.
 

Minh Thư

.