Xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) được mệnh danh "làng xuất ngoại" với hàng trăm người lao động tại nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các lao động trên đều xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo dạng cư trú bất hợp pháp và đang đối mặt với nguy cơ bị bắt, mất việc làm và khó trở về cố hương.
 
Rủ nhau xuất ngoại chui
 
Đi "Phi" là cách mà người dân xã biển Nhơn Lý nói ngắn gọi về việc đi lao động tại Philippines. Thời gian đầu, thấy người đi "Phi" trong xã làm ăn có lợi, nhiều gia đình nhờ đi "Phi" mà  đổi đời, người dân trong xã kéo nhau qua "Phi" làm ăn. Người may mắn thì làm ăn phát đạt, nhưng phần nhiều lao động Nhơn Lý ở Philippines đang phải sống chui lủi qua ngày.
 
Tìm về xã Nhơn Lý, chúng tôi đến nhà ông Trình Văn Sinh (51 tuổi) thôn Lý Hòa có người con trai Trình Phụ (25 tuổi) qua Philippines lao động hơn 7 tháng nay và đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Bà Đỗ Thị Tổng (49 tuổi) vợ ông Sinh, nói: "Gia đình tôi trước đây hành nghề rút lưới chì truyền thống, năm 2008 chồng tôi bị tai biến nên gia đình phải bán ghe để lo. Đầu năm 2013, thấy nhiều người trong thôn đi "Phi" làm ăn có tiền, vợ chồng tôi vay 40 triệu đồng cho thằng con trai thứ 2 đi qua đó theo người ta. Nó qua bên đó cũng là đi làm thuê, buôn bán vặt ở chợ. Thế nhưng công việc không mấy suôn sẻ, mấy tháng nay con điện về bảo là không có việc, cũng không chỗ ăn, chỗ ở. Suốt ngày trốn ở các chợ, cũng mấy lần bị cảnh sát Philippines truy đuổi...".
 
Vợ chồng ông Sinh cùng đứa cháu nội ngày ngày mong tin con trai ở nước ngoài.
Vợ chồng ông Sinh cùng đứa cháu nội ngày ngày mong tin con trai ở nước ngoài.
 
Anh Phụ đi qua "Phi" được mấy tháng, vợ anh ở nhà cũng bỏ về quê ngoại. Đứa con nhỏ gần 7 tháng tuổi giờ giao lại cho ông bà nội chăm sóc. Bà Tổng không cầm nước mắt: "Nghèo khó, chúng tôi mới để con đi làm ăn xa. Mấy lần con điện về nói không có tiền ăn, không có chỗ ở lòng dạ chúng tôi đau như dao cắt, đến tiền mua card điện thoại gọi về nhà cũng không có. Nghe nó nói giờ muốn về quê thì phải nộp tiền thuế, mà tiền không có lấy đâu mà nộp, mà về. Nó cũng chẳng biết đang ở chỗ nào ở Philippines, muốn gửi tiền cũng không có cách nào gửi. Nhiều người như nó ở bên Philippines bị bắt nhốt mấy tháng trời".
 
Giống như hoàn cảnh nhà bà Tổng, gia đình ông Bùi Văn Hưng (trưởng thôn thôn Lý Hòa) cũng có con đi lao động tại Nga. Con gái, con rể cùng con trai qua Nga may mặc, đến nay chỉ có vợ chồng con gái may mắn trở về. Người con trai út vẫn  đang lưu lạc tại Nga, kiếm tiền mong về nước.
 
Một số gia đình ở Nhơn Lý xây được nhà cao tầng nhờ người đi
Một số gia đình ở Nhơn Lý xây được nhà cao tầng nhờ người đi "Phi".
 
Hậu quả nhãn tiền
 
Ở Nhơn Lý, 500 người ra nước ngoài làm ăn thì có 450 người qua Philippines. Người lao động Nhơn Lý ở "Phi" đang rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đối mặt với nhiều rủi ro và rất khó để trở về quê. Ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Định, khẳng định: "Việc xuất ngoại chui như người dân xã Nhơn Lý rất là nguy hiểm, đặc biệt cư trú bất hợp nếu bị chính quyền sở tại bắt giữ thì rất khó giải quyết. Chính vì tình trạng xuất ngoại không chính thống ở Nhơn Lý ngày càng nhiều, Sở đã tạo điều kiện đưa những công ty xuất khẩu lao động có uy tín về tại Nhơn Lý giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, tình trạng xuất ngoại chui ở Nhơn Lý cũng không kiểm soát được".
 
Người đi lao động gặp trở ngại, người thân của họ ở nhà cũng gặp không ít khó khăn. Con trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc, bố mẹ già không có người phụng dưỡng. Vợ chồng dắt nhau qua Philippines làm ăn để lại con trẻ cho ông bà trong nom. Nhiều đứa trẻ may mắn còn có ông bà chăm sóc, có đứa anh em tự chăm sóc lẫn nhau khi bố mẹ đi xa. Nhiều đứa trẻ vì thiếu vắng tình thương, sự quan tâm của bố mẹ nên sao nhãng việc học, nhiều em chưa học hết cấp 2 nghỉ học ở nhà hoặc theo bố mẹ qua Philippines làm ăn. Tính riêng năm 2013 này, tại Trường THCS Nhơn Lý đã có 7 em học sinh nghỉ học theo bố mẹ đi làm ăn, có em vùi đầu vào quán game, tiệm Internet.
 
Ông Hồ Sắc (71 tuổi, thôn Lý Chánh, Nhơn Lý), ngậm ngùi: "Vợ chồng không hòa hợp, đứa con gái của tôi qua Philippines làm ăn 2 năm nay. Công việc thất bát, nó không có tiền về, con gái ở nhà năm nay đã vào lớp 1 giao lại cho vợ chồng già này chăm sóc. Mình lo được cái ăn, còn cái chữ trông vào nhà trường mà thôi".
 
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho hay: "Đi "Phi" làm cho cuộc sống bà con khá lên, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, bộ mặt xã Nhơn Lý nhờ vậy mà thay đổi. Tuy nhiên, bà con đi chui, họ hàng dắt nhau đi, xã Nhơn Lý nhiều nhà cao tầng xây lên để trống, con em không được chăm sóc, giáo dục đến nơi đến chốn, nhiều đứa sinh ra hư hỏng. Số người tự do đi nước ngoài ở Nhơn Lý ngày một đông, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhân khẩu ở địa phương. Chính quyền xã đang tích cực tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng này. Còn như những mất mát thì quả là khó bù đắp...".
 
Theo Thu Dịu
Báo CAĐN