Sau loạt bài về cuộc sống "bầy đàn" đa cấp ở Thái Bình, Ninh Bình,... độc giả cả nước đã phản ánh bằng hàng nghìn email cho hay, đa cấp đã "mọc" ở khắp các địa phương trong cả nước, dưới mọi hình thức.
 
 
Ngoài ra, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội…cũng đang là những địa bàn hoạt động của mạng lưới đa cấp này. 
 
Kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng, là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. 
 
Thực chất đây là mô hình giống như 1 cái cây, có nhiều tầng, nhiều nhánh. Người tham gia vừa là thành viên của công ty, vừa là khách hàng. Họ sẽ hưởng lợi từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được của họ và những cấp dưới của họ.
 
Để được thăng cấp, người này phải thiết lập một hệ thống đủ số người cấp dưới theo quy định của từng công ty.
 
Việc phát triển mô hình này sẽ khiến cho các công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí như nhà kho, bến bãi, các chi phí cho quảng cáo, marketing, chi phí cho các đại lý…Nhờ vậy, phần hoa hồng của các thành viên (tùy theo cấp) khi bán được hàng sẽ cao hơn so với bình thường, phần lợi nhuận của công ty tất nhiên sẽ cao hơn.
 
Thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia, ở Việt Nam, mô hình này cũng được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng hiện nay lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, hình thức bán hàng đa cấp bất chính xuất hiện rất phổ biến, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang và nói đến đa cấp là người ta nghĩ ngay đến “lừa đảo”.
 
Liên quan đến biến tướng kinh doanh đa cấp, trong suốt nửa năm qua, Báo Điện tử VTC News đã vào cuộc rốt ráo, tìm những ngóc ngách của loại hình kinh doanh này, qua đó phản ánh cuộc sống "bầy đàn" của học viên Lô Hội tại Thái Bình, cảnh báo người dân về các chiêu thức mê hoặc của đa cấp biến tướng…
 
Kết quả là công an, UBND tỉnh Thái Bình đã cùng vào cuộc xử lý các sai phạm trong hoạt động, quản lý của Công ty Lô Hội tại Thái Bình. 
 
Về việc bán hàng đa cấp khiến dân u mê để lại nhiều hậu họa mà VTC News đã phản ánh trong suốt nửa năm qua, nguyên :Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết Chính phủ đang sửa Nghị định về kinh doanh đa cấp theo hướng sẽ siết chặt hoạt động kinh doanh này.
 
Trong lúc Nghị định chưa thay đổi, quan điểm của Chính phủ là những ai lợi dụng, làm trái pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
 
Thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che, yêu cầu các cơ quan làm nghiêm.
 
“Tôi  cho rằng có một việc rất quan trọng và nằm trong tay các nhà báo là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu đúng. Không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo”, ông Đam nhấn mạnh.
 
Với cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp là Bộ Công thương, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 30/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã cho biết, việc quản lý thị trường bán hàng đa cấp đang gặp rất nhiều khó khăn, sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi trong quản lý loại hình bán hàng đa cấp.
 
Cụ thể, Nghị định 110 về quản lý bán hàng đa cấp sẽ thay đổi việc cấp giấy phép bán hàng đa cấp theo hướng kiểm soát chặt chẽ, trước kia giao cho các địa phương, nay sẽ tập trung đầu mối giao Bộ Công thương cấp giấy phép như loại hình kinh doanh có điều kiện.
 
“Điều này xuất phát từ thực tế, có nhiều doanh nghiệp đăng kí cấp phép ở một địa phương, nhưng lại hoạt động bán hàng đa cấp ở các thành phố lớn nên việc quản lý, kiểm soát rất khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.
 
Đặc biệt, sẽ cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo kim tự tháp, vì đây là loại hình đầu tư kiểu lừa đảo bất hợp pháp. Những người đầu tư sau như phần gốc, to hơn, nâng phần ngọn là những người đầu tư trước. Những kẻ lừa đảo sẽ dùng tiền của người đầu tư sau trả tiền cho người đầu tư trước, cứ như vậy, chúng thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, do không có lợi nhuận thực, mô hình này sẽ sụp đổ.
 
Đồng thời, sẽ nâng mức thuế pháp định của doanh nghiệp lên, mức ký quỹ nâng lên 5 tỉ đồng và bằng tiền mặt (trước đây quy định ký quỹ 1 tỉ đồng thông qua bảo lãnh ngân hàng hoặc thế chấp bằng tài sản).
 
Theo thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh, từ trước đến nay, Việt Nam đã có hơn 90 doanh nghiệp đăng kí bán hàng đa cấp nhưng hiện chỉ còn 61 doanh nghiệp đang hoạt động. 3 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình khai tử vương quốc này. 
 
 Theo VTC News 
.