Vụ việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường sau khi phẫu thuật thẩm mỹ làm tử vong bệnh nhân và phi tang xác nạn nhân thời gian qua đã tạo nên một cơn chấn động trong dư luận.
 
Từ sự việc trên, vấn đề quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như y đức của người thầy thuốc thực sự khiến dư luận bức xúc và hoang mang. 
 
Sau ’vụ Cát Tường,’ một cơ sở thẩm mỹ trên Phố Vọng với tấm biển quảng cáo trắng, không có nội dung gì. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Sau ’vụ Cát Tường,’ một cơ sở thẩm mỹ trên Phố Vọng với tấm biển quảng cáo trắng, không có nội dung gì. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 
Loạt bài xoay quanh đề tài làm đẹp và thực trạng công tác quản lý thẩm mỹ viện sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
 
Bài 1: Quảng cáo làm đẹp: Kỳ nhông đã đổi màu
 
Có thể nói, khoảng 10 năm qua là thời kỳ “bùng nổ” của dịch vụ làm đẹp tại Việt Nam, với vô số cơ sở làm đẹp mọc lên như nấm cùng không ít những lời quảng cáo “hào nhoáng.”
 
Không thiếu những website hay biển pano quảng cáo trên các góc phố ở Hà Nội cùng những lời giới thiệu chi tiết các dịch vụ cực kỳ hấp dẫn: cắt mí Hàn Quốc, giảm béo không phẫu thuật, nâng ngực nội soi....
 
Một cơ sở thẩm mỹ ’nhanh tay’ xóa các nội dung ’nhạy cảm.’ (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Một cơ sở thẩm mỹ ’nhanh tay’ xóa các nội dung ’nhạy cảm.’ (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra vụ việc một nữ khách hàng đi phẫu thuật tại Thẩm mỹ viện Cát Tường tử vong, thì những hình ảnh quảng cáo về dịch vụ làm đẹp lập tức được điều chỉnh một cách mau lẹ, hệt như những con kỳ nhông đổi màu...
 
Hàng loạt tấm biển tẩy xóa
 
Một thời, các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện đua nhau quảng cáo “nổ” trên các website, mạng xã hội với những câu đại loại như: “Phương pháp phẫu thuật làm đẹp hiện đại”, “Công nghệ tiên tiến trên thế giới”, “Phẫu thuật không xâm lấn”, “Tạo mặt hình chữ V,” “Công nghệ tắm trắng nanô,”... xuất hiện tràn lan trên các trang mạng, biển hiệu quảng cáo... 
 
Chẳng hạn như Thẩm mỹ viện Phú Xuân trên đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy (Hà Nội) trước đó có hình quảng cáo với điểm nhấn rất hợp thời đại như “nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ tự thân” – lấy mỡ cơ thể theo quy định của Bộ Y tế các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ không được thực hiện.
 
Những vết tẩy xóa quá nham nhở. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Những vết tẩy xóa quá nham nhở. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 
Tuy nhiên sau "vụ Cát Tường," giờ đây khi lên trang web của thẩm mỹ này thì hình quảng cáo và bài viết giới thiệu đó cũng đã không còn dấu vết. 
 
Cũng sau sự việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, việc những cơ sở thẩm mỹ nào được phép và không được phép hoạt động bắt đầu được người dân và các cơ quan chức năng soi rất kỹ lưỡng.
 
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, theo quy định, thẩm mỹ viện được làm những loại hình dịch vụ như: làm mặt, chăm sóc thông thường, nhưng có cơ sở họ đã lợi dụng việc được đăng ký kinh doanh thẩm mỹ viện để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không phép như việc hút mỡ, nâng ngực. Như vậy là sai quy định và là hoạt động "phẫu thuật thẩm mỹ chui."
 
Theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, từ cuối tháng Mười, cùng với những đợt thanh tra đột xuất của ngành y tế Hà Nội, các cơ sở thẩm mỹ có vẻ như bắt đầu đi vào đúng khuôn khổ, với những lời giới thiệu về dịch vụ trên các trang mạng ở trong mức giới hạn cho phép.
 
Một bài viết giới thiệu về hút mỡ, nâng ngực cũng đã biến mất trên một trang web chuyên về thẩm mỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một bài viết giới thiệu về hút mỡ, nâng ngực cũng đã biến mất trên một trang web chuyên về thẩm mỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 
Dạo quanh một vòng quận Hai Bà Trưng -  nơi trước đây được coi là khu vực hoạt động sầm uất nhất của dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, có khá nhiều cửa hàng thẩm mỹ đột nhiên đóng cửa, những tấm biển quảng cáo to đã bị xóa các nội dung và để trắng.
 
Ngay đầu đường phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) là một thẩm mỹ viện khá lớn, với tấm biển ghi tên cơ sở khá bắt mắt và dễ nhìn. Tuy nhiên, tấm hiệu quảng cáo vuông vắn, có chiều dài bằng cả tầng nhà đặt phía dưới tên chính của thẩm mỹ viện thì được bóc dỡ, tẩy xóa không ghi trên đó nội dung gì.
 
Đặc biệt, trên website của các cơ sở thẩm mỹ đã trở nên “khiêm tốn” hơn. Chẳng hạn như trên trang website của Thẩm mỹ viện H.G trên đường Láng chỉ quảng cáo trị mụn trứng cá, trẻ hóa da, nâng cơ mặt, xóa nhăn...
 
Sự khác biệt rõ rệt sau ’vụ Cát Tường.’ (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Sự khác biệt rõ rệt sau ’vụ Cát Tường.’ (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 
Chị Hồng Hà, 42 tuổi ở Ba Đình tâm sự, trước khi xảy ra vụ Cát Tường, ngày nào trên các trang mạng xã hội như Facebook chị sử dụng, ở cột quảng cáo bên phải đều có rất nhiều các quảng cáo “hấp dẫn” về làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ.
 
Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, tình trạng quảng cáo trên đã không còn, các cơ sở thẩm mỹ đột nhiên rút hết các ô quảng cáo làm trắng da, phẫu thuật không xâm lấn…
 
Nhận định về vấn đề quảng cáo quá mức, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho hay: “Có nhiều cơ sở thẩm mỹ đưa ra quảng cáo như làm đẹp toàn diện. Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy không bao giờ có được như vậy. Vì vậy, khi phát hiện chúng tôi đã yêu cầu cần phải bỏ những quảng cáo đó.”
 
Theo ông Khuê, có khá nhiều cơ sở thẩm mỹ đã thổi phồng quảng cáo với các dịch vụ như xét nghiệm tế bào, xét nghiệm gen, kể cả những xét nghiệm sâu mà cơ sở họ chưa làm được. Hay những câu quảng cáo quá hoàn thiện như làm đẹp một ngày, hai ngày tự nhiên ngay bằng tất cả các phương pháp, tiêm 1 mũi làm trắng từ da nâu trở thành da trắng… Đến nay, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đình chỉ và dừng tất cả quảng cáo đó.
 
Quận, huyện không báo cáo, Sở bó tay
 
Sau sự cố Cát Tường, lực lượng thanh tra của Hà Nội “siết chặt” công tác kiểm tra toàn diện cơ sở làm đẹp. Vì vậy, nhiều cơ sở có dấu hiệu hoạt động cầm chừng, nhiều thẩm mỹ viện không được cấp phép hoặc quảng cáo các dịch vụ không được phép thực hiện đã tự tạm đóng cửa, trưng biển ngừng hoạt động.
 
Ngay cả đối với những thẩm mỹ viện được Sở Y tế Hà Nội cấp phép mặc dù mở cửa nhưng hoạt động rất dè dặt, dỡ bỏ biển tên dịch vụ không được phép thực hiện trên biển, trang quảng cáo, và đặc biệt, họ từ chối thẳng thừng yêu cầu của khách hàng muốn làm các dịch vụ kỹ thuật cao như nâng ngực, hút mỡ...
 
Điển hình như một cơ sở thẩm mỹ viện lớn trên đường Kim Mã sau "vụ Cát Tường" bỗng dưng dán giấy thông báo “tạm dừng hoạt động trong thời gian cấp đổi giấy phép.”
 
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, hơn 1 tuần sau đó, cơ sở này đã hoạt động trở lại và “thủ tiêu” luôn tấm biển có tên là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đi.
 
Trên đường Giải Phóng, nhiều cơ sở thẩm mỹ viện cũng đã đột nhiên đóng cửa im ỉm mà không có bất kỳ thông báo cho khách hàng. 
 
’Kỳ nhông đã đổi màu’ trên các tấm biển quảng cáo của thẩm mỹ viện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
’Kỳ nhông đã đổi màu’ trên các tấm biển quảng cáo của thẩm mỹ viện. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
 
Hay tại nhiều tuyến phố khác như Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Cầu Giấy có khá nhiều các cơ sở thẩm mỹ nhanh chóng dỡ bỏ hàng loạt tên nhiều dịch vụ cấm thực hiện trên biển quảng cáo mà chỉ để lại những dịch vụ như chăm sóc da, chăm sóc ngoài da…
 
Vừa qua, ngày 30/10, đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của thành phố Hà Nội về tăng cường giám sát các cơ sở hành nghề thẩm mỹ trên địa bàn thành phố do tiến sỹ Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra đột xuất một số cơ sở thẩm mỹ.
 
Đoàn đã kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa ngoài công lập Hồng Ngọc và Phòng khám chuyên khoa phẫu thật tạo hình thẩm mỹ số 4 Quán Thánh.
 
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, kết quả kiểm tra tại hai cơ sở y tế nói trên, đoàn không phát hiện sai phạm nào. 
 
Nói về công tác thanh kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sở đã thanh tra 27 trong tổng số 34 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
 
Lý giải về việc tại sao những cơ sở không có phép thì lực lượng kiểm tra không kiểm tra được cụ thể, ông Hiền cho biết, do lực lượng tại các quận huyện cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ sở không gửi thông tin tới Sở.
 
Chính vì vậy, mà Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân của Sở Y tế Hà Nội không nắm được thông tin về hoạt động của cơ sở này vì không được "báo cáo."
 
Thời gian qua, sau một loạt sự cố liên quan tới ngành y tế, nhiều người dân đặt câu hỏi lớn về vai trò và năng lực thanh tra của ngành y tế trong việc phát hiện và thẩm định dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân với đầy sự hoài nghi về khả năng thật sự của họ./.
 
Theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT trong quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế:
 
Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được phép:
 
-  Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ.
 
-  Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai.
 
-  Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ quầng vú, núm vú, thu gọn thành bụng, mông đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.
 
-  Việc phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong chứng minh thư nhân dân chỉ được thực hiện sau khi người có yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã có đơn gửi cơ quan công an nơi cấp chứng minh thư nhân dân. 

 

Theo Vietnam+
 
Bài 2: Y tế tư nhân: Cỗ xe tăng tốc chóng mặt thiếu phanh!