Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), nơi có đường biên giới tiếp giáp với một số tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Ninh cũng đã có bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Nhất là thời điểm này đang mùa lễ hội, có một lượng lớn khách trong và ngoài nước đến Quảng Ninh, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn càng cao. Trước tình hình này, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
 
Ngày 18-2, Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Ngày 18-2, Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
 
Ngày 18-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Một ngày ở Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái
 
Tôi có mặt tại Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Móng Cái vào một ngày giữa tháng 2. Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, mỗi ngày có khoảng 4.000-5.000 lượt khách qua lại cửa khẩu này. Thời điểm hiện tại, số lượng người qua lại ít hơn, tuy nhiên công việc của cán bộ, nhân viên kiểm dịch y tế vẫn rất bận rộn. Họ liên tục lấy thông tin của những người nhập cảnh, nhất là những trường hợp đi từ 6 tỉnh đang có dịch cúm A/H7N9 của Trung Quốc. Bác sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, phụ trách đội kiểm dịch tại CKQT Móng Cái, cho biết: “Chúng tôi bố trí 12 cán bộ, nhân viên kiểm dịch y tế tại CKQT Móng Cái và Cửa khẩu Ka Long. Họ luân phiên trực, giám sát triệt để các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm và các dịch bệnh dễ lây lan khác”. Tổ kiểm dịch còn phối hợp tốt với Trạm Kiểm dịch bên Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để kịp thời phát hiện, cảnh báo những trường hợp đến từ vùng dịch, cũng như tư vấn, khám cho những người có biểu hiện không tốt về sức khoẻ. Tại cửa khẩu có phòng cách ly, điều trị ban đầu cho những khách xuất, nhập cảnh khi họ bị bệnh. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế TP Móng Cái và Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái trong việc khoanh vùng xử lý dịch, tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm nếu có. Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái đã bố trí 20 giường cách ly tại Khoa Lây của Bệnh viện để sẵn sàng ứng phó với dịch.
 
Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bên cạnh tăng cường kiểm dịch y tế đối với người, hàng hoá và kiểm dịch động, thực vật; Móng Cái còn tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn qua các đường mòn, lối mở. Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng, cơ quan chức năng, đến nay hiện tượng nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm gần như không còn. Thành phố cũng tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh... gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Ở khu vực chợ thực phẩm của Móng Cái, gia cầm bày bán cũng chỉ còn rất ít, bởi tâm lý e ngại của người dân khi bên Trung Quốc đang có dịch cúm gia cầm. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái: “Hiện gia cầm bày bán trên địa bàn chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh nội địa như Bắc Giang, Hải Dương về và đều có giấy chứng nhận kiểm dịch; một số nữa là sản phẩm do các hộ chăn nuôi gà của địa phương cung cấp”.
 
Kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
 
Tăng cường các tổ, chốt kiểm dịch
 
Trước nguy cơ cao dịch cúm trên gia cầm và cúm gia cầm trên người xâm nhập vào địa bàn, không chỉ có Móng Cái mà ở các địa phương trong tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Bình Liêu, Hải Hà, việc kiểm soát dịch bệnh gia cầm trên người được thực hiện triệt để ở các cửa ngõ biên giới. Tại 7 cửa khẩu trên địa bàn (CKQT Móng Cái, Cửa khẩu Ka Long, Cửa khẩu Vạn Gia ở Móng Cái; Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ở Hải Hà; Cửa khẩu Hoành Mô ở Bình Liêu; Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả và Cửa khẩu Cảng Hòn Gai) cùng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế bố trí 7 tổ kiểm dịch hoạt động thường xuyên. Các tổ có từ 3-5 máy phun hoá chất và trang thiết bị bảo đảm công tác tiêu trùng khử độc, phòng chống dịch. Từ đầu năm đến nay, các tổ đã kiểm dịch được 60.195 người và 1.042 phương tiện nhập cảnh; 68.104 người và 736 phương tiện xuất cảnh. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn tăng cường tuyên truyền đến du khách và người dân trên địa bàn về phòng chống dịch bệnh.
 
Công tác phòng chống nhập lậu gia cầm cũng được thực hiện quyết liệt. Cùng với việc ngăn chặn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới, tỉnh cũng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm từ các tỉnh ngoài vào địa bàn bằng cách thành lập 6 chốt kiểm dịch tại các địa bàn trọng điểm, gồm: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Yên Hưng, Tiên Yên, Ba Chẽ. Từ khi đi vào hoạt động (ngày 13-2-2014) đến nay, các chốt đã kiểm tra 34 lượt ô tô và 93 lượt xe máy chở lợn và gia cầm vào tỉnh; trong đó có 72 xe máy và 2 ô tô chở gà, lợn không có giấy kiểm dịch. Các phương tiện không có giấy kiểm dịch đều bị ngăn không cho vào địa bàn tỉnh. Những phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm được phép vào địa bàn tỉnh đều được khử trùng tại các chốt kiểm dịch.
 
Mặc dù vậy, là tỉnh có nhiều đầu mối giao thông nối với các tỉnh khác trong khu vực, lại có đường biên giới dài với Trung Quốc, nên công tác kiểm soát, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập lậu khó khăn. Hiện ở 4 cửa khẩu có người qua lại đều bố trí máy đo thân nhiệt để phát hiện người có biểu hiện bất thường về sức khoẻ; song máy đo thân nhiệt ở CKQT Móng Cái được trang bị từ nhiều năm nay, nên thường xuyên trục trặc. Thời điểm chúng tôi có mặt, máy đang tạm dừng hoạt động để sửa chữa. Hiện tỉnh đã bố trí kinh phí mua máy mới, sắp tới sẽ lắp đặt thay thế. Tuy nhiên, phía bên cửa xuất vẫn chưa bố trí được máy đo thân nhiệt. Cùng với đó là còn một bộ phận người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh.
 
Theo Báo Quảng Ninh
 
Bài 2: Chống dịch ở các trại gia cầm