Luật sư: Hành vi phạm tội nằm ngoài ý chí của bị cáo

Ngày 29/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại BIDV tiếp tục với phần tranh luận.

Bào chữa cho bị cáo Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, bị cáo Chính tham gia hạn chế, mờ nhạt trong giai đoạn thẩm định hồ sơ đề xuất cấp hạn mức cho Công ty Trung Dũng.

Theo luật sư Hồng Bách, đối với hoạt động giải ngân, hồ sơ thẩm định và duyệt hồ sơ vay đều được các cán bộ chuyên môn chuẩn bị, soạn thảo, lập báo cáo đề xuất giải ngân và ký thẩm định.

Hành vi phê duyệt của bị cáo Ngô Duy Chính là bước cuối cùng ở giai đoạn thẩm định hồ sơ; sau đó, chuyển sang Phòng quản lý rủi ro thẩm tra, soát xét trước khi tiến hành giải ngân.

leftcenterrightdel
 Các luật sư tại phiên toà.

Do vậy, theo luật sư Bách, hành vi của bị cáo Ngô Duy Chính chỉ bao gồm và giới hạn trong giai đoạn của Phòng quan hệ khách hàng.

Luật sư Bách cũng đưa ra một số luận điểm chứng minh bị cáo Ngô Duy Chính thực hiện hành vi dưới sức ép của cấp trên, nằm ngoài ý chí của bị cáo và không tư lợi cá nhân. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét một cách nhân văn để cho rằng đây chỉ là tai nạn rủi ro trong quá trình làm việc.

leftcenterrightdel
Bị cáo Ngô Duy Chính tại phiên toà.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), luật sư Huỳnh Phương Nam đưa những lời khai của một số bị cáo khác để chứng minh trong hoạt động giải ngân 700 tỉ đồng cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp bị áp lực từ Trần Bắc Hà và buộc phải thực hiện mặc dù biết là không đúng với quy định của BIDV..

Nước mắt trong phiên tòa xét xử

Bị cáo Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh Hà Tĩnh) bị cáo buộc đã tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, đề xuất giải ngân và ký các báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định chung với vai trò thành viên.

Vân Anh còn bị cáo buộc đã đề xuất Giám đốc Chi nhánh Hà Tĩnh ký các công văn và tờ trình đề nghị BIDV sửa đổi điều kiện cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay với các điều kiện ưu đãi; kiểm tra việc dùng vốn vay nhưng không phát hiện việc các cổ đông của Công ty Bình Hà chiếm dụng vốn vay, dùng trái mục đích, dẫn đến mất vốn.

leftcenterrightdel
Bị cáo Lê Thị Vân Anh. 

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư của bị cáo Vân Anh trình bày những khó khăn của bị cáo. Luật sư không cầm được nước mắt, mong HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo buộc cùng chồng là Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản, được quyền tự bào chữa, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng, Giám đốc Công ty Hà Nam) đã không cầm được nước mắt. Bị cáo này nghẹn ngào xin HĐXX giảm nhẹ tội cho mình.

VKS giữ nguyên quan điểm truy tố

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày nhiều nội dung đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, nhằm làm rõ hành vi và động cơ phạm tội của các bị cáo.

Theo đại diện Viện kiểm sát, mặc dù đã thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, dư nợ tại các tổ chức tín dụng lớn, có rủi ro, nhưng hai bị cáo Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) và Nguyễn Xuân Giáp cùng một số bị cáo khác vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng cho Công ty Trung Dũng.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố.

Các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng dẫn đến không có khả năng thanh toán hơn 601 tỉ đồng.

Đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục phân tích hành vi vi phạm của các bị cáo. Trong đó, nhấn mạnh đến sai phạm của các bị cáo làm việc tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh trong việc cấp tín dụng cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà.

Theo đó, đại diện Viện kiểm sát cho rằng trong quá trình thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân và kiểm tra việc sử dụng vốn vay cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà, các bị cáo đã vi phạm nhiều điều khoản trong Quy chế của BIDV.

VKS cho rằng, công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính, doanh thu và chưa được xếp hạng tín dụng. Các bị cáo đã vi phạm quy định về việc cấp tín dụng không có đảm bảo và cấp vượt mức so với vốn tự có của khách hàng.

Việc các bị cáo đề xuất, phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà vay với các sai phạm trên đã gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỉ đồng, phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.”

VKS cho rằng, hành vi của 2 cựu Phó Tổng giám đốc BIDV là Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng cùng nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ chi nhánh BIDV đã mắc nhiều sai phạm, cho vay vốn khi doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, VKS còn cho rằng, các bị cáo Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng và nhóm cán bộ ngân hàng này đã làm trái quy chế cho vay đối với khách hàng do BIDV ban hành năm 2013.

Về sai phạm liên quan Công ty Trung Dũng, VKS cũng giữ nguyên quan điểm cho rằng Trần Bắc Hà có vai trò chính, gây áp lực để bốn bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 700 tỉ đồng và mở phát hành L/C theo món.

Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo để Công ty Trung Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại hơn 864 tỉ đồng.

Hà Nhân