Dùng người “thế thân” để không lộ quan hệ cha- con

Phiên xét xử đại án Trần Bắc Hà tiếp tục với phần xét hỏi, bị cáo Trần Anh Quang, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, khai không có trình độ chuyên môn nhưng được Trần Duy Tùng dựng lên để dễ dàng điều hành, "lách luật" với mục đích vay vốn của BIDV.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 3/2015, lợi dụng chức vụ chủ tịch BIDV, Trần Bắc Hà đã trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư dự án chăn nuôi bò tại đây. Sau đó, Trần Bắc Hà lập công ty "sân sau" là Công ty Bình Hà với mức vốn điều lệ đăng ký 200 tỉ đồng và lập dự án nuôi bò tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỉ với mục đích vay vốn của BIDV.

Công ty Bình Hà có 3 cổ đông là Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh. Bị cáo Trần Anh Quang được dựng lên làm Tổng Giám đốc giai đoạn từ tháng 10/2016.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS xét hỏi các bị cáo.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Quang cho biết có quan hệ họ hàng, gọi Trần Bắc Hà là ông và Trần Duy Tùng là chú. Trước đây bị cáo Quang là lái xe riêng cho Tùng.

Khi Trần Bắc Hà lập công ty "sân sau", bị cáo Quang "không biết mình là cổ đông". Khoảng tháng 9/2016 bị cáo mới biết mình nắm giữ 25% cổ phần Công ty Bình Hà.

Quang khai: Khi đó, Tùng nhờ bị cáo đứng tên đại diện pháp nhân cho công ty. Bị cáo không có trình độ để quản lý ở tầm giám đốc nên từ chối. Tuy nhiên, Tùng nói bị cáo là cổ đông nên nhờ đứng tên giúp.

Theo lời khai của bị cáo Quang, khi thành lập công ty sân sau, do Trần Bắc Hà đang là chủ tịch BIDV nên Trần Duy Tùng không thể đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Bình Hà vì quan hệ cha - con không thể vay vốn.

Thực tế, mọi điều hành đều do Tùng chỉ đạo. Tùng có thuyết phục công ty đang khó khăn, những giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo. Bị cáo hoàn toàn không có mặt, không tham gia vào hoạt động của công ty.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên xét xử. 

Ngoài việc đứng tên cổ đông Công ty Bình Hà giúp Trần Duy Tùng, Quang còn mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV và Sacombank, để nhận và sử dụng tiền từ các công ty môi giới bán bò và các lò mổ (mua bò của Công ty Bình Hà) chuyển lại và thanh toán tiền bò, theo chỉ đạo của Tùng.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 5-2016 đến tháng 1-2017, Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt 150 tỉ tiền bán bò.

Sửa đổi điều kiện cấp tín dụng do… sức ép

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện nhưng ông Trần Bắc Hà đã ký quyết định tài trợ vốn cho vay hơn 3.100 tỉ để thực hiện dự án chăn nuôi bò.

Do công ty không đủ điều kiện để được cấp tín dụng, nên quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định, hoặc nới lỏng điều kiện.

Đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Đại diện của nhiều cơ quan, tổ chức đưa ra ý kiến tại phiên xét xử. 

Sau khi BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân nhưng kiểm soát dòng tiền để cho bị cáo Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh dưới sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng câu kết với đối tác ký hợp đồng để nhận lại và chiếm đoạt 20% tổng giá trị hợp đồng.

Theo cáo trạng, việc BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phê duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho Công ty Bình Hà vay với các sai phạm trên, gây thiệt hại cho BIDV 800 tỉ đồng.

Trước đó, tại bục khai báo, bị cáo Trần Lục Lang (nguyên Phó TGĐ BIDV phụ trách Quản lý rủi ro, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư),  khai việc cho Công ty Bình Hà vay, Ngân hàng BIDV thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong việc cho doanh nghiệp này vay, bị cáo Lang tham gia giai đoạn đánh giá rủi ro. Bị cáo thấy dự án này về tài sản đảm bảo còn thiếu, cần phải bổ sung. Dự án có nhiều rủi ro. Bị cáo Trần Lục Lang khai khi trình lên Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bị cáo bị “sếp” chửi bới, dọa “sẽ cách chức” nếu còn đề xuất, yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản bảo đảm đáp ứng điều kiện của Ngân hàng.

Cũng thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố, bị cáo Kiều Đình Hòa (Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) còn nói bị Trần Bắc Hà dọa cách chức Giám đốc, yêu cầu chi nhánh phải thực hiện.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp) thừa nhận hành vi vi phạm của mình trong việc ký phê duyệt trên báo cáo của Tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng… Theo lý giải của bị cáo Sáng, do bị Trần Bắc Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký.

Xin tái cơ cấu để trả nợ

Tại phiên tòa, Thẩm phán đặt câu hỏi với đại diện Công ty Bình Hà: Từ khi vay đến nay thì Công ty Bình Hà đã trả được cho BIDV bao nhiêu tiền?

Người đại diện của Công ty Bình Hà cho biết trong vốn vay có vay trung hạn và ngắn hạn, tổng số cho vay là hơn 2.600 tỉ đồng; hiện đã trả hơn 1.400 tỉ đồng, số dư nợ hiện còn hơn 1.200 tỉ đồng.

Về phương án trả nợ, thời gian qua Công ty Bình Hà đã làm việc với một số đối tác để tiến hành tái cơ cấu lại các dự án; theo đánh giá các phương án của Công ty Bình Hà thì có đủ khả năng trả nợ cho BIDV.

Với tài sản hiện nay thì không đủ trả nợ, nhưng về dài hạn, phương án của Công ty Bình Hà hoạt động có hiệu quả thì có thể trả nợ. Căn cứ theo các hợp đồng tín dụng đã ký, Công ty Bình Hà có trách nhiệm xử lý các nghĩa vụ trả nợ.

Về xử lý tài sản, Công ty tôn trọng các hợp đồng thế chấp đã ký với ngân hàng. Hiện Công ty thực hiện các phương án tái cơ cấu, do đó Công ty mong muốn sử dụng các tài sản để hợp tác với các đối tác để triển khai.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên tòa. 

Về phương án tái cơ cấu, Công ty Bình Hà đã ký với đối tác. Phương thức hợp tác kinh doanh được thực hiện là: Công ty Bình Hà góp bằng các tài sản hiện hữu gồm quỹ đất hơn 1.000 ha, các tài sản đã đầu tư...; phía đối tác bỏ tiền giống, nhân công, nhân sự để thực hiện các phương án.

Đến đây, Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: Phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương chưa?

Người đại diện của Công ty Bình Hà khẳng định phương án tái cơ cấu này đã được BIDV chấp thuận; cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an thống nhất ủng hộ về mặt chủ trương phương án tái cơ cấu và hợp tác với các đối tác.

 

 

Hà Nhân