leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: TTXVN
 

Có căn cứ truy tố các bị cáo tham ô tài sản

Về nội dung nhiều luật sư nêu các bị cáo không phạm tội tham ô, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định có đủ căn cứ truy tố về tội tham ô tài sản. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh với tư cách là Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) đã cử Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT PVPLand, Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land làm người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVPLand, vì vậy Trịnh Xuân Thanh là người gián tiếp quản lý cổ phần của PVC tại PVPLand.

Về phần đối đáp ngày 2-2 của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong đó nói "Viện Kiểm sát biến không thành có", đại diện Viện Kiểm sát đối đáp: "Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập trong điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh tội tham ô là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật". Đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu quan điểm, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, khai báo gian dối.

"Sau khi trả lại số tiền 14 tỉ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo giữ bí mật việc chuyển tiền, còn dặn Thái Kiều Hương nói số tiền chưa đến Thanh, mới chỉ đến chỗ Thái Kiều Hương. Nếu không phạm tội thì sao phải chỉ đạo đồng phạm gian dối?" - đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi và đánh giá bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người đứng đầu PVC, sau đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhưng vẫn tham ô tài sản - tội tham nhũng bị xã hội lên án. Từ lập luận trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử có hình phạt đích đáng để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đối đáp tiếp với Viện Kiểm sát, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, nêu lại quan điểm bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ biết sắp xếp cuộc gặp cho Thái Kiều Hương với Trịnh Xuân Thanh để nói chuyện chuyển nhượng cổ phần. "Thắng chỉ dừng ở việc biết có việc chuyển nhượng, trong khi Trịnh Xuân Thanh nói việc này HĐQT đã có chủ trương, HĐQT đã quyết rồi. Thắng không biết về việc chênh lệch giá trong cuộc gặp này, không có tài liệu chứng minh Thắng biết việc chênh giá, làm gì có tài liệu nào chứng minh Thắng làm việc này để hưởng lợi" - luật sư Thiệp nêu.

Đối đáp lại quan điểm của luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đại diện VKS khẳng định VKS kết luận bị cáo Đinh Mạnh Thắng có hành vi tác động trong việc chuyển nhượng là có cơ sở. Theo đề nghị của Thái Kiều Hương, Thắng đã thu xếp cuộc gặp giữa Hương và Thanh. Sau đó tiếp tục điện cho Đào Duy Phong nói có khách đến mua cổ phần, như vậy là đã có lời nói, có tác động vào việc chuyển nhượng.  "Về số tiền Thắng nhận từ Hương 19 tỉ đồng, sau đó chuyển cho Thanh 14 tỉ đồng, bản thân nhận 5 tỉ đồng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng hoàn toàn biết rằng số tiền lớn đó là tiền từ chuyển nhượng cổ phần.

Đại diện VKS cho rằng việc bị cáo có hành vi tác động là rõ ràng. Bị cáo Thắng có gặp Thanh để nói việc đồng ý chủ trương cho PVP Land bán vốn, gọi điện cho Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) nói có khách đến và khi bị cáo đã nhận 19 tỉ đồng của Hương, chuyển cho Thanh 14 tỉ, hưởng lợi 5 tỉ thì bị cáo hoàn toàn biết rằng số tiền lớn như thế là tiền phi pháp. VKS xác định hành vi của bị cáo Thanh là đã cấu thành tội tham ô tài sản; bị cáo Thắng giúp sức, nên xác định là đồng phạm.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp ngay sau đó đã dẫn chứng PVC đã có nghị quyết về việc chuyển nhượng trước khi bị cáo Đinh Mạnh Thắng thu xếp cuộc gặp, vì vậy khó nói bị cáo Thắng có tác động vào việc chuyển nhượng. Về số tiền 14 tỉ bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã trả lại và 5 tỉ đồng bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã trả lại 5 tỉ đồng, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục bảo lưu quan điểm đề nghị thu hồi số tiền nêu trên từ Công ty CP đầu tư Vietsan để sung quỹ.

Các bị cáo xin mức án khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt

Được HĐXX cho phép nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày: “Trong thời gian mấy tháng ở trại tạm giam, nhiều đêm bị cáo không ngủ được, chỉ nhớ vợ con, bạn bè. Trước khi ra tòa, được tiếp xúc với bố mẹ và con bị cáo, bố bị cáo đưa cho một cái bánh gai với mấy quả quýt, nhắn đây là của cô Nhung, bạn bị cáo từ hồi lớp 1 gửi. Bị cáo rất xúc động... Từ đấy, bị cáo thấy rằng mình vẫn tin tưởng vào cuộc sống, vào xã hội và vào HĐXX... Bị cáo muốn nói điều ấy để cám ơn tất cả”.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh “kính mong HĐXX xem xét kỹ càng” và “Bị cáo tin tưởng rằng với tình cảm xã hội dành cho bị cáo, HĐXX cũng vậy, để cho bị cáo không có một án quá nặng”.

Nguyện vọng cuối cùng bị cáo Thanh trình bày là việc “bị thấp khớp rất nặng, năm ngoái có tháng không đi được, có khả năng biến chứng đột quỵ, đột tử”; do đó bị cáo nhắc lại nguyện vọng như phiên tòa trước, là “sau khi có án với bị cáo, cho phép bị cáo được gần với vợ con; nếu có chết, được chết trong vòng tay vợ con”.

Trước tòa, bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã nhận thức được hành vi phạm tội và nói lời cuối cùng: việc tham gia vào vụ án một cách vô tình, không biết về việc mua bán cổ phần, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ để phán xử một cách công tâm, mức án thấp để bị cáo nhanh chóng về với gia đình và xã hội, đặc biệt là chịu tang người cha đã mất.

Ngoài bị cáo Thanh, Thắng, có ít nhất 2 bị cáo khác mong HĐXX xét đến vấn đề sức khỏe, nhân thân. Bị cáo Đào Duy Phong cho rằng: Suốt 8 năm nay, ngay từ lời khai đầu tiên, bị cáo khai hoàn toàn chính xác, để cơ quan điều tra nhanh chóng xác định bản chất của vụ án. Bị cáo đã ăn năn hối cải và động viên gia đình khắc phục hậu quả ngay từ năm 2011, khắc phục vượt số tiền gây thiệt hại... Trình bày truyền thống gia đình, bố hoạt động trước 1945, có nhiều thành tích trong kháng chiến; bản thân lại ốm đau, bệnh tật, phạm tội lần đầu, bị cáo Phong đề nghị được hưởng lượng khoan hồng cao nhất của pháp luật.

Các bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, Thái Kiều Hương, Nguyễn Thị Kim Thoa đều bày tỏ nhận thức được hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét hành vi, vai trò của mình trong vụ án một cách công minh để sớm có cơ hội trở lại với gia đình, xã hội.

Sáng thứ hai (5/2), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

Nhóm PV