Lời khai của cựu tướng Vĩnh

“Đến nay, để so sánh hiệu quả của công ty bình phong CNC và hậu quả của nó, ông nghĩ sao? đại diện VKS xét hỏi bị cáo Vĩnh. Bị cáo Vĩnh khai thời điểm bị cáo ký đồng ý lập công ty bình phong, CNC chưa tổ chức đánh bạc. Còn từ thời điểm đó đến nay, như hôm qua bị cáo đã kiểm điểm, hậu quả xảy ra rất nặng nề không chỉ cho 2 bị cáo mà còn cả các đối tượng khác đang lẩn trốn, chưa kể đến triệu gia đình cũng đang lâm vào hoàn cảnh này.

Về việc cho CNC vào đóng tại trụ sở cơ quan công an trên phố Hồ Giám, bị cáo Vĩnh cho rằng mình chỉ bút phê đồng ý chủ trương, còn thực hiện chủ trương này là 2 ông Phó Tổng cục trưởng phụ trách hậu cần và Phó Tổng cục trưởng phụ trách trực tiếp C50. Theo ông Vĩnh, 2 phó tổng cục trưởng này đồng ý, quyết định...

leftcenterrightdel
Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa 

Đại diện VKS tiếp tục hỏi ông Vĩnh: Đầu giờ chiều qua (19/11), bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhưng trong quá trình xét hỏi, bị cáo lại có lời khai mâu thuẫn.

Cụ thể, theo VKS, chiều qua, bị cáo Vĩnh khai mình chỉ có lỗi, là lỗi gián tiếp. Với tư cách một người từng làm Thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, bị cáo hãy đánh giá tình tiết vụ án này. Bị cáo thấy bị cáo có lỗi gián tiếp hay trực tiếp. Bị cáo có phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ?

Bị cáo Vĩnh diễn giải, hôm qua sau khi chủ tọa phiên tòa trình bày cáo trạng truy tố bị cáo với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và hỏi có đúng không? Tôi đã trả lời: Đúng!

Ông Vĩnh xin HĐXX, căn cứ trên các chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được và cáo trạng kết luận, kính mong rằng, VKS, HĐXX công tâm, khách quan, soi xét từng chứng cứ. Những chứng cứ vật chất đã thể hiện trong hồ sơ vụ án, đó là những chứng cứ khoa học định tội, định tội danh và sau này lượng hình cho phù hợp với bản thân tôi.

Đại diện VKS truy tiếp: "Lời khai bị cáo đang bất nhất?". Hôm qua, khi HĐXX hỏi bị cáo có thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố không, bị cáo nói đồng ý. Sau đó, quá trình khai báo, bị cáo lại nói chí "có lỗi, lỗi gián tiếp".

VKS hỏi lại 1 lần nữa, theo bị cáo, việc nhận tội của bị cáo như ban đầu có đúng không. Bị cáo có áy náy, rút lại những lời khai này không? Ông Vĩnh xin trình bày và khẳng định mình không có gì bất nhất giữa lời khai và lời trình bày. Trong phần trình bày, ông đều mong VKS soi xét kỹ.

Trước đó, chiều 19/11, HĐXX hỏi bị cáo Vĩnh, bản cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ kết luận có đúng người, đúng tội với mình hay không, ông Vĩnh thừa nhận đúng và không có ý kiến gì. Ông Vĩnh nói: 6 ngày rưỡi ngồi nghe 90 phiên thẩm vấn các bị cáo, trong lòng rất day dứt và hối hận, bởi vì 92 bị cáo cùng với 92 gia đình đã lâm vào vòng lao lý. Không những thế, hàng triệu công dân khác cũng liên lụy, chắc chắn giờ này họ cũng đang có nhiều đau khổ.

leftcenterrightdel
VKS công bố lời khai của cựu tướng Vĩnh 

"Bị cáo rất thấm thía, ân hận với vai trò trách nhiệm, từng là chỉ huy cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm. Lẽ ra bị cáo phải làm tốt hơn để không có sự việc này xảy ra", bị cáo Vĩnh ân hận.

Trả lời về mối quan hệ với Nguyễn Thanh Hóa, ông Vĩnh nói đó là quan hệ cấp trên cấp dưới. 8 năm hoạt động chưa lúc nào có mâu thuẫn.

Với các bị cáo khác như Nguyễn Văn Dương, cũng không có gì mâu thuẫn. Dương là mối quan hệ đối tác thực hiện nhiệm vụ do C50 chỉ đạo và điều hành.

Khi nhận nhiệm vụ từ địa phương về Tổng cục, trong một cuộc chia tay ở Nam Định, bị cáo có gặp Nguyễn Văn Dương, nhưng lúc đó chưa có quan hệ gì. Sau thời điểm về nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Cảnh sát từ năm 2011, lúc đó C50 đã được thành lập. Theo chủ trương của Bộ Công an, C50 được phép lập công ty nghiệp vụ làm bình phong để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.

Cựu tướng Hoa phủ nhận CNC là Công ty bình phong của C50

Cũng trong sáng nay, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa lên bục xét hỏi, ông Hóa khai gặp Dương khi đi hội đền Trần (Nam Định) năm 2010. Lúc đó, xe của một người bạn ông Hóa bị xử lý do đỗ sai chỗ. Nghe mọi người nói Nguyễn Văn Dương quen Giám đốc công an tỉnh, có thể xử lý nên cựu Cục trưởng C50 đã liên hệ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 năm 2009 và ban đầu chỉ có hơn 30 người, có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do tập trung vào các việc khác nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.

Bị cáo Hóa khai cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ lúc đầu đề nghị cho cháu làm công ty bình phong của C50. Khi bị cáo nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương. Sau đó, ông Hóa gặp Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh bảo Nguyễn Thanh Hóa làm tờ trình để Tổng cục duyệt.

“Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu”, ông Hóa khai Bộ Công an không có quy định chung về thành lập công ty bình phong. Các đơn vị khác hướng dẫn có 3 hình thức làm công ty bình phong gồm bỏ tiền làm, đóng góp tiền để liên kết hoặc dùng lợi thế sản phẩm trí tuệ.

Ban đầu, C50 báo cáo Tổng cục ghi là lợi thế doanh nghiệp nhưng do đơn vị không có đội ngũ kỹ thuật, nhân lực chủ yếu là cảnh sát điều tra về kinh tế nên dừng việc góp vốn về lợi thế. Trong các báo cáo sau đó, C50 đều thể hiện góp vốn mức 20%.

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa 

Tại tòa, ông Nguyễn Thanh Hóa khai sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.

Theo ông Hóa, văn bản ghi nhớ được ký ngày 10/10/2011 và không có giá trị pháp lý, C50 có thể thực hiện hoặc cũng có thể không do trước đó chưa có tiền lệ. Trong đó, C50 đồng ý đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, đổi lại C50 được nhận 20% lợi nhuận.

Tuy nhiên, ông Hóa khai trên thực tế, sau khi ký văn bản ghi nhớ với CNC, ông ta đã báo cáo Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh về việc C50 không có nhân lực và vốn để tham gia hợp tác với CNC. Do đó, C50 không thực hiện theo bản ghi nhớ nữa.

“Như vậy, CNC không phải là công ty bình phong, không phải cơ sở và cũng không có quyết định nào công nhận điều đó”, bị cáo Hóa trình bày.

Ngay sau đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất. Bị cáo Dương khai bản thân mong muốn HĐXX xem xét trong hồ sơ vụ án. “Tôi cũng không tiện nói đúng hay không đúng”, Dương nói rồi quay lại ghế ngồi.

Tiếp đó, giải thích về việc CNC từng được công nhận là công ty nghiệp vụ, cựu Cục trưởng C50 cho rằng, ông ta biết doanh nghiệp này thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Hà Nội). Tuy nhiên, ông Hóa nói không biết Nguyễn Văn Dương đã treo biển Cục trưởng C50 và đề tên ông ta tại nơi này, cho đến khi bị bắt, ông Hóa mới biết điều này. HĐXX lập tức công bố lời khai của bị cáo Dương 2 ngày trước, thể hiện ông Hóa biết CNC treo biển và đã đề nghị gỡ bỏ.

Tiếp tục đối chất lần 2, Nguyễn Văn Dương khai sau khi phát hiện CNC treo biển đề tên và chức vụ của ông Hóa tại số 10 Hồ Giám, cựu Cục trưởng C50 đã có ý kiến và yêu cầu hạ xuống để đảm bảo tính bí mật.

“Bị cáo suy nghĩ gì về lời khai của Dương?”, ông Hóa trả lời đó chỉ là một căn hộ nhỏ, không có lý do gì để ông ta đến làm việc và treo biển. Về vai trò của Công ty CNC, ông Nguyễn Thanh Hóa cho rằng đó không phải công ty bình phong của C50.

Các Cơ quan tố tụng xác định việc quyết định số phận game đánh bạc Rikvip nằm trong tay ông Vĩnh và ông Hóa. Xét về bản chất, 2 cựu tướng công an có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, ông Vĩnh là người chỉ đạo, còn ông Hóa là người thực hành tích cực.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai cho ông Hóa 22 tỷ đồng, cho C50 700 triệu đồng và bộ phần mềm giá 30.000 USD. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Hóa chỉ thừa nhận khoản tiền hỗ trợ C50 700 triệu và phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD. Cựu Cục trưởng C50 không thừa nhận việc Dương đưa cho ông 22 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng  thấy chưa đủ căn cứ xác định ông Hóa hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xem xét xử lý bị can này mới dừng lại ở mức độ cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhóm PV