Trong 2 ngày (29, 30/11/2021), TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Phiên tòa được mở do VKSND TP Hà Nội có kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên trước đó. Đồng thời, 11 bị cáo cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự.
Sau gần hai ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra phán quyết. Tòa phúc thẩm khẳng định, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, các bị cáo đã liên kết với nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Bản án phúc thẩm nhận định, từ 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm của nhiều chủ hàng tại nước ngoài. Công ty không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỉ đồng thuê 9 đường dây vận chuyển trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa và tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỉ đồng, thu lợi hơn 221 tỉ đồng.
Các hoạt động mua bán hàng hóa từ nước ngoài của Công ty Nhật Cường không có hóa đơn nên bị coi là buôn lậu. Huy còn chỉ đạo nhập nhiều số liệu trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế. Hành vi này bị xác định gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỉ đồng.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm. |
HĐXX cũng cho rằng, Tổng Giám đốc Công Nhật Cường Bùi Quang Huy (đã bỏ trốn) là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo để kết nối các bị cáo giúp sức cho Huy thực hiện hành vi buôn lậu. Hành vi của các bị cáo lặp đi lặp lại trong thời gian dài nên không thể nói rằng, không biết về nguồn gốc hàng hóa. Tại tòa, các bị cáo kháng án thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhưng không trình bày được thêm các tình tiết giảm nhẹ khác. Những người này bị Tòa xác định đã thực hiện hành vi đồng phạm giúp sức cho Huy buôn lậu. Riêng bị cáo Nguyễn Bảo Trung có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới nên được Tòa chấp nhận giảm từ 8 năm tù xuống 6 năm.
Cụ thể, cùng về tội “Buôn lậu”, Tòa phúc thẩm tuyên: Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc Nhật Cường) 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng) 9 năm tù, Nông Văn Lư (nhân viên) 7 năm tù, Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường) 6 năm tù, Bùi Quốc Việt (nhân viên) 5 năm tù, Trần Tất Khoa (Giám đốc Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) 6 năm tù, Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu) 4 năm tù, Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường) 5 năm tù, Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn) 5 năm tù. Bốn lao động tự do: Nguyễn Bảo Trung bị tuyên phạt 6 năm tù, Ngô Đức Tùng 6 năm tù, Phạm Văn Hiệp 7 năm tù và Đỗ Văn Dũng 4 năm tù.
Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính) bị phạt 10 năm tù về tội Buôn lậu, 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 14 năm tù. Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về dân sự, Tòa bác kháng nghị của VKSND TP Hà Nội về việc buộc Công ty Nhật Cường nộp tiền hưởng lợi từ hành vi buôn lậu để khắc phục hậu quả thay cho các bị cáo; không chấp nhận kháng cáo xin miễn nộp tiền khắc phục hậu quả của 14 bị cáo.
HĐXX cho rằng, về nguyên tắc thì Bùi Quang Huy và một số đồng phạm chủ chốt phải nộp tiền thu lời bất chính để sung công quỹ. Công ty Nhật Cường hiện không còn trụ sở ở nơi đăng ký, không hoạt động. Huy lại là người điều hành chính của Công ty Nhật Cường song đã bỏ trốn. Vì vậy, Tòa tuyên buộc các bị cáo đồng phạm phải liên đới bồi thường dân sự, song có quyền khởi kiện Huy yêu cầu bồi hoàn các khoản tiền phải nộp trong vụ án này.
Về dân sự, 13 bị cáo phạm tội “Buôn lậu” phải liên đới nộp lại hơn 221 tỉ đồng thu lời bất chính. Cụ thể, Ánh nộp 69 tỉ đồng, Ngọc 40 tỉ đồng, Huy 30 tỉ đồng, Lư 10 tỉ đồng, Khoa 15 tỉ đồng và những bị cáo còn lại từ hơn 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng.
Ở tội “Vi phạm quy định kế toán”, Tòa buộc hai bị cáo Ngọc và Hằng nộp sung công quỹ Nhà nước gần 30 tỉ đồng gây thiệt hại. Trong đó , Ngọc 16 tỉ đồng , Hằng hơn 13 tỉ đồng.
Trước đó, nói lời sau cùng trước khi Toà tuyên án, các bị cáo đều gửi lời xin lỗi đến gia đình và mong được giảm nhẹ để sớm trở về. Bị cáo Trần Ngọc Ánh nói trong giai đoạn điều tra đã cùng bị cáo Ngọc, Hằng bỏ ra hơn 300 ngày giúp Cảnh sát trích xuất dữ liệu để tính ra 221 tỉ đồng thu lời bất chính từ buôn lậu và gần 30 tỉ đồng tiền chênh lệch thuế.
Bị cáo Ánh cho hay, khi đó các bị cáo nhận thức được hành vi của mình để sau này được khoan hồng và miễn trách nhiệm dân sự. Nhưng chính nhóm bị cáo tích cực giúp Cơ quan điều tra, lại phải khắc phục số tiền lớn nhất. Bị cáo Ánh ngậm ngùi: "Có lẽ đi hết cuộc đời này, các bị cáo cũng không khắc phục được số tiền lớn như vậy. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, bị cáo cũng chưa chắc trả nợ hết cho pháp luật khiến con đường hoàn lương bị ngăn chặn. Hình phạt sinh ra không phải để nghiêm trị mà để ngăn chặn hành vi phạm tội mới và khích lệ những người ăn năn hối cải".