|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Theo cáo trạng của VKSND huyện Cẩm Giàng: Với mục đích mua toàn bộ các lô đất của Dự án khu dân cư, khu văn chỉ, nghĩa trang liệt sỹ, bể bơi thị trấn Cẩm Giang, trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 29/9/2022, Phạm Văn Thuỷ (SN 1970, ở thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng) đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân công nhiệm vụ cho các đối tượng và trao đổi, xin ý kiến của Nguyễn Ngọc Đường (SN 1971, ở thị trấn Cẩm Giang) là Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang.
Sau đó, Thủy trực tiếp chỉ đạo 25 đối tượng khác mang tiểu sành đặt tại cổng hội trường UBND thị trấn Cẩm Giang; đưa xe tải, máy xúc, biển cảnh báo, cọc tiêu, rào chắn ra chặn trên các đoạn đường dẫn đến trụ sở UBND thị trấn Cẩm Giang; chỉ đạo các đối tượng tạo dựng va chạm giao thông giả với người dân mua được hồ sơ tham gia đấu giá đất, nhằm tạo áp lực mua lại hồ sơ; chỉ đạo các đối tượng tụ tập, thị uy, gây huyên náo tại địa điểm bán hồ sơ và công trường thi công dự án, đưa ra thông tin đất của dự án có nhiều mồ mả, tranh chấp nhằm mục đích cản trở người dân mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và xem đất.
Trong thời gian mở bán hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án, Nguyễn Ngọc Đường đã dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao làm trái các quy định của pháp luật trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; đồng thuận, bao che và có hành vi giúp sức cho Phạm Văn Thuỷ cùng các đối tượng khác thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở người dân mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất thuộc dự án.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ngoài ra, để hợp thức hóa đơn đầu vào đối với nhiên liệu dầu sử dụng trong quá trình thi công dự án, Phạm Văn Thủy và 3 đối tượng khác đã bàn bạc, thống nhất mua của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tiến Minh 26 hóa đơn giá trị gia tăng khống mặt hàng dầu Diezel 0,05S-II và sử dụng để kê khai thuế giá trị gia tăng kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7/2022 tại Chi cục Thuế khu vực Cẩm Bình, làm tăng số tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ của Công ty TNHH Mạnh Anh là hơn 343 tỉ đồng.
Để hợp thức hóa đơn đầu vào đối với một số nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình thi công dự án, Phạm Văn Thủy cùng vợ là Hoàng Thị Điều đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Thị Huê, Nguyễn Thị Hiên mua của Đỗ Thị Lan Anh và Nguyễn Bá Sang 4 hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo. Tổng tiền hàng chưa có thuế giá trị gia tăng trên 4 hóa đơn là hơn 11,75 tỉ đồng. Tổng tiền thuế giá trị gia tăng trên 4 hóa đơn là hơn 1,175 tỉ đồng.
Tổng số tiền Phạm Văn Thủy, Hoàng Thị Điều đã trả cho Nguyễn Bá Sang, Đỗ Thị Lan Anh để mua trái phép 4 hóa đơn là hơn 1,52 tỉ đồng. Phạm Văn Thủy và Hoàng Thị Điều đã sử dụng 4 hóa đơn này để hạch toán hàng hóa đầu vào, kê khai thuế giá trị gia tăng kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7/2022 tại Chi cục Thuế khu vực Cẩm Bình, làm tăng số tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ của Công ty TNHH Mạnh Anh là hơn 1,175 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã chủ động xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo; tranh luận, đối đáp với ý kiến của người bào chữa một cách thuyết phục để bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.
Căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Thủy 28 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng" và 26 tháng tù về tội "Trốn thuế", tổng hợp hình phạt là 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Đường 25 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng" và 15 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt là 40 tháng tù; ngoài ra còn xử phạt 13 bị cáo hình phạt tù; 17 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo và 1 bị cáo hình phạt tiền về các tội: Gây rối trật tự công cộng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Trốn thuế, Mua bán trái phép hóa đơn.
Đây là bản án nghiêm khắc và bài học đắt giá đối với các bị cáo, là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật; đồng thời qua phiên tòa cũng là tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành pháp luật đến những người dân.