Sáng nay 25/5, TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên án, vụ án xét xử theo trình tự phúc phẩm liên quan đến cựu Bí thư TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương – Nguyễn Hồng Khanh và đồng phạm phạm tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận toàn bộ đề nghị của VKSND cấp cao tại TP HCM, tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Mậu Hưng - đại diện VKS đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án 

Sau một ngày xét xử, trong phần luận tôi, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM – KSV cao cấp Nguyễn Mậu Hưng đã chỉ ra 4 vấn đề mà cấp toà sơ thẩm còn chưa làm rõ, không khách quan. Đó là việc tách vụ án, xác định tài sản nhà nước, chứng minh vai trò của bị cáo Nguyễn Hồng Khanh và cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Theo đó, đại diện VKS đề nghị, HĐXX chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và hủy án, giao về điều tra, xét xử lại.

Đồng quan điểm với VKS, các ý kiến của Luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng đồng tình trước quan điểm và đề nghị của đại diện VKS.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh trả lời câu hỏi của HĐXX

Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Khanh 10 năm tù, Nguyễn Huy Hùng 12 năm tù và Nguyễn Quang Lộc 11 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” hơn 26 tỉ đồng.

Thế nhưng, cả 3 bị cáo trên đều kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án vì cho rằng các bị cáo không phạm tội.

Ngoài ra, bà Huỳnh Thị Phương Anh (là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan), Trần Thị Loan (đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Hiệp Hảo) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - là bị hại trong vụ án) cũng kháng cáo 1 phần nội dung trong quyết định đã tuyên.

Đây là vụ án được các cơ quan chức năng tách ra từ vụ án liên quan đến nội dung tố giác của ông Nguyễn Hiệp Hòa (con bà Hồ Thị Hiệp) về việc Nguyễn Hồng Khanh có hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH SXTM An Tây Công ty An Tây). Theo đó, ngày 12/3/2018, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 BLHS. Đến ngày 12/3/2019, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự trên. Cùng ngày, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định tách vụ án hình sự đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 của BLHS để điều tra để xét xử theo quy định.

Ngoài ra, đối với hành vi của Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Hồng Khanh, Lê Hoài Linh, Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Minh Tâm và Đặng Văn Thọ, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và quyết định tách vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo trao đổi với luật sư của mình 

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 – 2015, bị cáo Nguyễn Huy Hùng là Giám đốc ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn đã chỉ đạo cho Nguyễn Quang Lộc – Phó trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 trực tiếp thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp của Công ty An Tây để thu hồi nợ cho ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn. Hai cán bộ ngân hàng này đã câu kết với bà Hồ Thị Hiệp và Nguyễn Hồng Khanh thực hiện xử lý tài sản thế chấp trái quy định để cho Nguyễn Hồng Khanh mua lại diện tích là 125.442,2 m2 (trong đó có 20.000 m2 đất công nghiệp) của bà Hiệp và công ty An Tây trị giá 33,86 tỉ đồng nhưng ngân hàng BIDV chỉ thu hồi được 7,79 tỉ đồng, Khanh thanh toán bằng tiền mặt cho bà Hiệp 2,88 tỉ đồng, gây thất thoát  hơn 26 tỉ đồng.

Trước đó, từ năm 2005 – 2008, bà Hiệp vay vốn tại ngân hàng BIDV cho Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp qua 6 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền vay là 72,11 tỉ đồng và bà Hiệp thế chấp bằng quyền sử dụng 2 thửa đất đứng tên bà Hiệp và 1 thửa đất cấp cho Công ty An Tây. Tổng giá trị tài sản đảm bảo là 80,85 tỉ đồng.

Năm 2008, Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp không có khả năng trả nợ.

Ngày 27/12/2011, Ngân hàng BIDV xác định tổng dự nợ của 2 công ty này là 96,83 tỉ đồng và ngân hàng đã trích lập dự phòng để xử lý rủi ro. Theo đó, tại thỏa thuận thành xác định tổng số tiền Công ty An Tây còn nợ ngân hàng là hơn 77 tỉ đồng và ngân hàng đồng ý để Công ty An Tây trả 3 tỉ/quý từ 1/4/2013. Nếu Công ty An Tây vi phạm thoả thuận thì toàn bộ tài sản thế chấp sẽ được xử lý để thanh toán nợ. Phương thức xử lý tài sản là để cơ quan thi hành án phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện từ năm 2012 – 2015 do Nguyễn Huy Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, quyết định và Nguyễn Quang Lộc trực tiếp thực hiện.

Hoa Việt