Theo Cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12/2022 đến ngày 19/3/2023, Trần Doãn Tài (SN 2005), Nguyễn Việt Hùng (SN 2006), Ngô Đức Duẫn (SN 2005) cùng với người liên quan Trần Sỹ V. (sinh năm 27/9/2007) cùng trú tại thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã lợi dụng đêm vắng, chủ sở hữu sơ hở trong quản lý tài sản để trộm cắp
Các đối tượng sử dụng điện thoại di động tìm kiếm đền chùa qua ứng dụng “Google Map”, rồi đi xe mô tô đến các đền chùa tại các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện 8 lần lấy trộm tiền công đức với tổng số tiền là 96.300.000 đồng, đem chia nhau, sử dụng tiêu xài cá nhân hết.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố đã chủ động tham gia xét hỏi, làm rõ thêm nhiều nội dung trong vụ án, như: Thời điểm nảy sinh ý định phạm tội; việc bàn bạc, thống nhất, phân công vai trò của các bị cáo, đặc điểm nguồn gốc công cụ, phương tiện các bị cáo sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội; số lần tham gia trộm cắp tài sản và tổng số tiền thu lợi bất chính của từng bị cáo và người liên quan; nguyên nhân dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội...
Qua đó, Kiểm sát viên đã trình bày luận tội, phân tích đầy đủ chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo để đề nghị một mức án nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Kiểm sát viên đã tranh luận, đối đáp chặt chẽ, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý đối với các luận điểm của những người bào chữa cho bị cáo Trần Doãn Tài, Nguyễn Việt Hùng để bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Đồng thời còn nêu bật những nội dung kiến nghị về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm và hành vi phạm tội, góp phần nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh phát hiện tội phạm đến những người dân tham gia phiên tòa. Trên cơ sơ đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên mức án nghiêm minh, phù hợp tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND thị xã Hồng Lĩnh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đánh giá về ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử cũng như tác phong, kỹ năng xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; chỉ ra những ưu, khuyết điểm… Qua đó, giúp cho Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, cũng như toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa kỹ năng tác nghiệp trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.