(BVPL) - Chuyện đi tù, nhưng vẫn được ngủ với vợ “đều đều” chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Thế nhưng để có được “ân huệ” ấy, đòi hỏi phạm nhân phải nỗ lực cải tạo không ngừng và một lòng hướng thiện.

 

 
Quan trọng là sám hối
 
Nói về gia cảnh của mình, Sơn bảo nhà có 4 anh chị em thì chỉ có anh ta là “vất vưởng” nhất vì không chịu học hành đến nơi, đến chốn. Các anh chị em của Sơn thì đều phương trưởng cả và hiện đang công tác tại các cơ quan Nhà nước ở Lai Châu. Cách đây 19 năm, Sơn lấy vợ. Vợ Sơn quê tận Thanh Hóa tình nguyện lên vùng cao làm cô giáo tiểu học. Nhắc đến vợ con, gương mặt ông chủ vật liệu xây dựng thuở nào bỗng “giãn” hẳn ra. “Cô ấy vừa xinh đẹp vừa nết na và hết mức yêu thương chồng con” - Sơn khen vợ mà thầm gửi gắm nỗi niềm biết ơn.
 
Trong lòng Sơn, ở tù anh ta khổ một thì người vợ ở nhà khổ mười. Ngay sau khi Sơn “dính” án ma túy, xóm giềng, đồng nghiệp gần như “tẩy chay” vợ anh ta. Vợ Sơn bị suy sụp trong một thời gian dài, cho đến tận sau này chồng đến thụ án ở Trại Hồng Ca, những lá thư chị gửi Sơn vẫn thấm đẫm nước mắt. Thế nhưng nhờ sự kiên cường, sự tận tụy trong công tác và nhất là một lòng yêu thương chồng con nên cô giáo tiểu học gốc Thanh Hóa dần lấy lại được thăng bằng cũng như sự tin yêu của mọi người. Sau ít ngày phải học tập pháp luật, nội quy, quy chế, giáo dục công dân, Sơn được “biên chế” về Đội 12, K1 của trại. Công việc hàng ngày của Sơn cùng 44 phạm nhân khác trong đội là đảm bảo cơm nước, hậu cần cho gần 2000 phạm nhân toàn trại. Dù những ngày ở nhà chẳng khi nào Sơn chịu vào bếp nấu cho vợ con nồi cơm, bát canh, song ở trại Sơn lại tỏ ra rất “đảm đang”. Nhận thấy Sơn có tố chất “bếp trưởng” nên tháng 9-2009, anh ta được Ban giám thị trại “cất nhắc” lên chức Đội trưởng Đội hậu cần phạm nhân.
 
Một lòng sám hối, Sơn luôn “giành” những việc khó, việc khổ về mình. Những lúc rảnh rỗi, anh ta còn không ngừng động viên, an ủi các phạm nhân khác, nhất là những phạm nhân phải thụ án dài. Chiều 22-6-2010, Sơn đang “đánh vật” với mấy thùng bột mì, chuẩn bị làm bánh cho bữa sáng hôm sau của các phạm nhân thì bất ngờ nhận được thông báo từ ngoài cổng vào “có vợ đến thăm”. Sơn chạy như bay tới nhà thăm gặp để ôm chầm lấy vợ. Nhưng niềm vui đâu đã dừng ở đó, Sơn tiếp tục nhận thêm thông tin anh ta được Ban giám thị cho phép “sở hữu” căn buồng hạnh phúc với vợ trong vòng 24 giờ.
 
Nhớ lại cái cảm xúc ấy, Sơn hồ hởi: “Thật không có gì vui sướng bằng. Lúc ấy cả tôi và vợ đều ôm nhau khóc rưng rức, nhưng đó là những giọt nước mắt đong đầy hành phúc, tủi hờn”! Sơn bảo những phạm nhân được hưởng như anh ta trong thời gian qua chẳng mấy. Bởi để được Ban giám thị trại chấp thuận nguyện vọng này, ngoài việc cải tạo, phấn đấu thật tốt thì còn phải trải qua rất nhiều khâu xét duyệt. Và quan trọng nhất là phạm nhân ấy phải gây dựng được niềm tin với cán bộ, chiến sĩ ở trại. Vì rằng trong khoảng thời gian “hạnh phúc” kia, mấy ai dám chắc phạm nhân không có những hành động gây nguy hại tới công tác quản lý giáo dục ở trại, thậm chí là “đào tẩu”.
 
Cũng theo lời Sơn, ngày 21-7 vừa qua, anh ta lại thêm một lần nữa được ở bên vợ trong vòng 24 giờ. Với Sơn hay bất kỳ một phạm nhân nào khác khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thật vô cùng quý giá. Nó không chỉ giúp một mảnh đời lầm lạc có được cảm giác yêu thương, tha thứ, đợi chờ từ phía gia đình, cộng đồng và tính nhân văn, nhân đạo của chế độ mà hơn thế nó còn là cái để mỗi phạm nhân ngẫm ngợi về cuộc sống tự do. Trước khi trở lại với cái “xó bếp” của mình, Sơn đã mạnh dạn bày tỏ chiêm nghiệm với chúng tôi: “Ở đời có mấy ai không mắc phải lỗi lầm. Điều quan trọng là phải biết sám hối và sám hối sẽ chẳng bao giờ là muộn cả”!
 
Theo Trịnh Tuyến
An ninh thủ đô
.