Theo nội dung cáo trạng, Chính quen biết một số người có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ. Những người này thuê Chính thực hiện các thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... và trả phí dịch vụ. Việc liên lạc giữa Chính với những người này được thực hiện qua mạng xã hội Viber, Wechat.

Để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam qua Cảng Đà Nẵng, Chính liên hệ và yêu cầu Hạnh thành lập và cung cấp thông tin của một số doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng để Chính đưa cho các chủ hàng, mục đích để chủ hàng báo cho bên xuất khẩu hàng hóa điền thông tin các doanh nghiệp này vào vận đơn với tư cách là đơn vị nhập khẩu hàng hóa.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: LT)

Thực hiện yêu cầu của Chính, từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, Chính gửi ảnh chụp CMND của người khác cho Hạnh để sử dụng thành lập và đăng ký chữ ký số tổng cộng 9 Công ty tại TP Đà Nẵng. Trong số đó chỉ có 1 công ty đặt trụ sở tại nhà riêng của Hạnh, các công ty còn lại đều không có trụ sở làm việc, không có nhân viên và không hoạt động kinh doanh.

Đáng nói, qua điều tra xác định những người đại diện theo pháp luật của các công ty này thì có người đã chết, phần lớn bị mất CMND và chưa bao giờ thành lập công ty, có người là phụ hồ, thậm chí có đối tượng còn là con nghiện của địa phương. 

Chính mở văn phòng làm việc tại địa chỉ số 36/33 Nguyễn Gia Trí (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, Chính thuê các nhân viên làm việc gồm Huy, Nhàn và Hứa Mỹ Xuân (SN 1992, trú tỉnh Kiên Giang).

Quá trình làm việc, Chính giao nhiệm vụ cho Huy phụ trách việc lập các chứng từ nhập khẩu khống và thực hiện thủ tục khai báo Hải quan nhập khẩu. Nhàn phụ trách việc nhận và chuyển chi phí liên quan đến lô hàng nhập khẩu. Xuân theo dõi hành trình của tàu, đặt tàu vận chuyển nội địa đối với các lô hàng giao tại TP Hồ Chí Minh.

Riêng hàng giao tại Cảng Đà Nẵng thì Xuân không tham gia mà việc này do Hạnh phụ trách. Tại TP Đà Nẵng, Hạnh làm việc tại nơi thường trú đồng thời là trụ sở Công ty TNHH tư vấn Nhật Long (do Hạnh làm Giám đốc, địa chỉ 814/79/2 Trần Cao Vân, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Chính trả lương cho Huy 20 triệu đồng/1 tháng, trả cho Nhàn từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/1 tháng, trả cho Xuân khoảng 10 triệu đồng/1 tháng. Chính trả công cho Hạnh theo từng container nhập khẩu, mỗi container từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Quy trình thực hiện việc làm thủ tục khai báo Hải quan và nhận hàng hóa nhập khẩu tại Cảng Đà Nẵng được thực hiện bằng cách sau khi nhận được vận đơn do các chủ hàng gửi qua mạng xã hội Viber, Chính chuyển tiếp cho Huy, chỉ đạo Huy tự lập khống chứng từ nhập khẩu gồm hóa đơn, danh sách hàng hóa với thông tin hàng hóa nhập khẩu là nước giặt và nước xả vải.

Việc lập khống chứng từ được Huy thực hiện bằng cách tra cứu thông tin trên  mạng xã hội để chọn loại nước giặt và nước xả vải, xem thông tin trọng lượng của các hàng hóa này, căn cứ vào tổng trọng lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn để tính toán, cân đối số lượng nước giặt và nước xả vải cho phù hợp với tổng trọng lượng theo vận đơn.

Đối với đơn giá hàng hóa, Huy tham khảo giá thị trường rồi lấy 1/3 giá này để ghi lên hóa đơn. Sau khi hoàn thành các tài liệu này, Huy gửi cho Chính xem lại để xác nhận rồi gửi cho Hạnh. Hạnh đóng dấu tên, dấu chữ ký Giám đốc và dấu pháp nhân của công ty nhập khẩu rồi chụp ảnh, gửi lại cho Huy qua Viber. Huy dùng chữ ký số của Công ty nhập khẩu, cắm vào máy tính để đăng nhập vào hệ thống Hải quan điện tử, đăng chứng từ lên hệ thống để làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu.

Đồng thời, Hạnh giao cho nhân viên của mình mang bộ chứng từ bản giấy đến nộp cho Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng để làm thủ tục thông quan và nhận hàng.

Khi có thông tin hàng về, Nhàn chuyển tiền từ tài khoản mình đến tài khoản của Hạnh để chi trả các chi phí liên quan đến lô hàng gồm: cước vận chuyển, phí hãng tàu, tiền nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tiền công cho Hạnh.

Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc thì Xuân đặt tàu nội địa vận chuyển tiếp về cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, sau đó Huy thuê xe vận chuyển hàng đến giao cho người nhận theo yêu cầu của chủ hàng. Đối với hàng được nhập khẩu về từ các nước khác đến Cảng Đà Nẵng thì Hạnh thuê xe đầu kéo chở hàng ra các tỉnh phía Bắc để giao cho người nhận theo thông tin Chính cung cấp.

Qua điều tra xác định từ ngày 27/12/2019 đến ngày 26/11/2020, Ngô Duy Chính đã sử dụng pháp nhân của 6 doanh nghiệp để nhập khẩu tổng cộng 232 lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam, trong số này có 210 lô hàng đã được thông quan và tiêu thụ. Có 22 lô hàng bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm nên tiến hành tạm giữ để điều tra.

Trong số 22 lô hàng bị tạm giữ, có 18 container chưa làm thủ tục khai báo Hải quan nhập khẩu và 4 container đã được mở tờ khai Hải quan nhập khẩu. Các container này đã được cơ quan chức năng tổ chức khám xét. Tổng cộng giá trị của hàng hóa chứa trong 22 container là 71.326.937.441 đồng.

Về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức của Chính, quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì phát hiện thu giữ trên người của Chính 4 CMND.

Chính khai nhận vào khoảng cuối năm 2019, Chính tìm hiểu trên mạng xã hội facebook thấy một tài khoản (không nhớ rõ tên tài khoản) đăng thông tin nhận làm giả các loại giấy tờ tùy thân, bằng cấp, giấy phép... Chính liên hệ thuê người này làm giả 2 CMND với giá 500 nghìn đồng/cái. Khoảng 2 tháng sau, Chính được một người tên Toàn (không rõ lai lịch) nhờ Chính đặt làm giả CMND cho em gái.

Trong vụ án này, các bị cáo Chính, Hạnh, Huy và Nhàn phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lấy việc phạm tội làm nguồn sống chính là các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Ngô Duy Chính mức án 16 năm tù về tội “Buôn lậu" và 2 năm tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt Chính phải thi hành là 18 năm tù. Các bị cáo Hạnh, Huy và Nhàn cùng mức án 7 năm tù về tội “Buôn lậu".

 

 

Lê Tâm