Tối 23/1, sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù đối với bị cáo Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304 (nay là Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) về tội Nhận hối lộ.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Hùng tại phiên phúc thẩm. 

Đối với 17 bị cáo khác kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt thì 13 người được Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo do xuất trình được các tình tiết giảm nhẹ mới.

Cụ thể, bị cáo Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, được giảm từ 10 năm tù xuống 8 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bị cáo Lê Việt Phương, cựu Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 (Hà Nội) cũng được giảm án từ 30 tháng tù xuống 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Trần Hùng luôn kêu oan, cho rằng mình không nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bác các quan điểm của bị cáo Trần Hùng và cho rằng, bị cáo Trần Hùng là cựu Tổ trưởng Tổ 304 Tổng cục Quản lý thị trường nên là người có chức vụ, quyền hạn theo Luật Phòng chống tham nhũng.

Đại diện Quản lý thị trường cũng từng có lời khai, Trần Hùng là lãnh đạo Tổ 304, ý kiến của bị cáo Hùng có thể coi là ý kiến của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nên phải chấp hành.

Hội đồng xét xử xét thấy, các nhân chứng, Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim (đồng nghiệp của Trần Hùng) khai, thấy Nguyễn Duy Hải (người môi giới hối lộ) cầm túi nilon màu đen vào phòng làm việc của Trần Hùng.

Sau đó, Hải gọi điện thoại để Trần Hùng nói chuyện qua điện thoại, hướng dẫn Thuận khai báo.

Lời khai của các nhân chứng, Nghiệp và Kim phù hợp với lời khai của bị cáo Thuận và Hải cũng như trích xuất dữ liệu điện thoại.

Tòa phúc thẩm cho rằng, có đủ cơ sở xác định Hải đã mang 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận đưa cho Trần Hùng.

Sau đó, Trần Hùng đã hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận khai báo về nguồn gốc sách lậu, từ hàng sản xuất sang hàng ký gửi để không bị xử lý hình sự, chỉ bị xử lý hành chính.

Bị cáo Trần Hùng còn gọi điện cho bị cáo Lê Việt Phương, khi đó Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17, là người phụ trách vụ việc của Cao Thị Minh Thuận, yêu cầu Phương xử lý nhẹ.

Tòa cấp phúc thẩm nhận định, bị cáo Trần Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận hối lộ 300 triệu đồng.

Tòa sơ thẩm tuyên 9 năm tù là đúng, không oan và bị cáo Hùng không xin giảm nhẹ hình phạt nên Tòa phúc thẩm không xem xét giảm nhẹ.

Trước đó, vào ngày 27/7/2023, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 36 bị cáo trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát; Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Bị cáo Trần Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng 304 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) bị Tòa sơ thẩm tuyên 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng đồng phạm đã tổ chức sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa (SGK) giả các loại của NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB khác với tổng giá trị theo giá in trên bìa là hơn 260 tỉ đồng, đồng thời, đã tiêu thụ được hơn 6,3 triệu quyển sách giả với tổng giá trị theo giá in trên bìa là trên 164,2 tỉ đồng, giá bán thực tế là hơn 73 tỉ đồng và đã được thanh toán tổng số tiền hơn 30 tỉ đồng.

Vũ Phương