Ngày 26/7, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên án phúc thẩm vụ kỳ buôn lậu gỗ trắc tại Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị). Vụ án kéo dài gần 8 năm, lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán khi vụ án chưa được đưa ra xét xử.

Theo đó, HĐXX đã tuyên không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo Liệu, Dung, Nhi và Thành, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải Quan.

Tuyên sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Liệu và Dung, phần xử lý vật chứng và phần kiến nghị đối với Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục hải quan. 

Căn cứ vào kết luận giám định 783 ngày 26/11/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, HĐXX nhận định các bị cáo đã có hành vi không khai báo một phần gỗ trắc và gỗ giáng hương có giá trị trên 15 triệu đồng, điều này đủ để cấu thành tội buôn lậu.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa.

HĐXX tuyên bố các bị cáo Trương Huy Liệu (cựu Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) và Trần Thị Dung (cựu giám đốc Công ty Ngọc Hưng) phạm tội “Buôn lậu”.  Mức án đối với bị cáo Liệu là từ 1 năm 16 ngày tăng lên 7 năm tù và từ 9 tháng tù treo lên 3 năm tù treo đối với bị cáo Dung. 

Đối với các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ hải quan Chi cục hải quan Cảng Cửa Việt), HĐXX cho rằng các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của Luật Hải quan khi kiểm hóa lô hàng, thực hiện kiểm hóa khi toàn bộ lô hàng chưa tập kết tại Cảng Cửa Việt.

HĐXX tuyên y án sơ thẩm với các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành và kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo Nhi, Thành và Đỗ Danh Thắng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về số tiền gần 64 tỉ đồng thu được từ việc bán lô gỗ là tang vật vụ án, HĐXX cho rằng dù chưa có đủ căn cứ để kết luận bị cáo Liệu, Dung làm giả hồ sơ hải quan để xuất khẩu, nhập khẩu gần 614,7 m3 lô gỗ trắc và gỗ giáng hương.

Tuy nhiên, căn cứ vào chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX có đủ cơ sở kết luận khi nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ, bị cáo Liệu đã không khai báo 78,8 m3 gỗ, trong đó có 23,8 m3 gỗ giáng hương và 55,0 m3 gỗ trắc với giá trị hơn 4,1 tỉ đồng. 

Do lô gỗ trắc là vật chứng của vụ án đã bán đấu giá trước khi xét xử sơ thẩm nên HĐXX coi số tiền 63,8 tỷ đồng thu được khi bán đấu giá lô gỗ (sau khi trừ đi chi phí bán đấu giá) là vật chứng vụ án.

Do đó, HĐXX tuyên tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền này, số tiền 59 tỉ đồng còn lại đang được tạm giữ tại Chi cục THADS TP Đà Nẵng sẽ chuyển cho Tổng cục Hải quan để xem xét xử lý về hành vi vi phạm hành chính của Công ty Ngọc Hưng theo quy định. 

HĐXX cũng tuyên hủy phần kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc thu giữ lô hàng của Công ty Ngọc Hưng không lập biên bản thu giữ vật chứng theo quy định của pháp luật trong bản án sơ thẩm. 

Đồng thời kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Nhi, Thành và Đỗ Danh Thắng (cựu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP Đà Nẵng, bị cáo không kháng cáo sau phiên sơ thẩm) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng nhập gỗ trắc từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) về Việt Nam. Để trót lọt nhập cảnh qua cửa khẩu, Trương Huy Liệu (SN 1959, trú tại Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam rồi xuất khẩu đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hành vi của bị cáo còn có sự giúp sức tích cực của Trần Thị Dung (SN 1961, Giám đốc công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu). Bà Dung có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập, kinh doanh gỗ từ Lào vào Việt Nam, sau đó xuất kinh doanh sang Hồng Kông (Trung Quốc). Hành vi của Dung đã đồng phạm về tội “Buôn lậu” với Liệu.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.

Cáo trạng cho rằng hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Liệu là người tổ chức, Dung là người giúp sức.

Đối với các bị cáo Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (SN 1962, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại quốc tế Lao Bảo), được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu trên, nhưng đã không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Do đó, Nhi và Thành đã không phát hiện được 27 kiện hàng, gồm 867 sản phẩm gỗ trắc (1,49m3); 23,828m3 gỗ giáng hương; 224,944m3 gỗ trắc xẻ (trị giá hơn 30 tỉ đồng) mà doanh nghiệp đã không khai báo khi làm thủ tục hải quan.

Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú tại Hải Châu, TP Đà Nẵng) nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng), được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu của công ty Ngọc Hưng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt các bị cáo vì tội “buôn lậu” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì 21,5m3 gỗ giáng hương. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù, Trần Thị Dung 9 tháng tù treo vì tội “Buôn lậu”.

Các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng  6 tháng tù treo cùng vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, các bị cáo Liệu, Dung, Nhi và Thành làm đơn kháng cáo kêu oan.

Tổng cục Hải quan kháng cáo kiến nghị của TAND TP Đà Nẵng ở phiên sơ thẩm về việc yêu cầu Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng có quyết định kháng nghị một phần bản án về tội “Buôn lậu” đối với các bị cáo Trần Thị Dung, Trương Huy Liệu và xử lý vật chứng. Đồng thời, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Liệu, Dung và tịch thu sung công số tiền hơn 62 tỷ đồng mà TAND TP Đà Nẵng tuyên trả cho 2 bị cáo.

Quyết định kháng nghị của VKS cho rằng, có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung chỉ đạo làm giả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu nhằm hợp thức hóa nguồn gốc gỗ không hợp pháp.

Về cách đo khối lượng gỗ, VKS giữ quan điểm kết luận giám định số 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam ngày 26/12/2012 là có cơ sở và cho rằng kết luận giám định số 151 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam (lập ngày 12/4/2012 - là căn cứ để TAND TP Đà Nẵng dùng để xét xử sơ thẩm) không chính xác.

Nêu quan điểm trong phần tranh luận, đại diện VKS yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo.

Xét thấy kháng nghị của Tổng cục Hải quan là có cơ sở, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm, hủy bỏ kiến nghị của TAND TP Đà Nẵng ở phiên sơ thẩm về việc yêu cầu Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra. VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của phó trạm trưởng Trạm KDTV Lao Bảo Hoàng Hữu Dũng về việc cấp giấy kiểm dịch thực vật cho lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng.

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên quyết định kháng nghị đã gửi cho TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với bị cáo Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung. Theo đó, VKS kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về tội “Buôn lậu”, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo.

Đại diện VKS cho rằng, hai bị cáo có dấu hiệu làm giả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu lô gỗ bằng việc in hợp đồng, tờ khai hàng hóa... trên các giấy khống chỉ có con dấu và chữ ký sẵn. Các kết quả giám định cho thấy chữ ký và con dấu trên hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng không trùng với chữ ký của người đại diện và con dấu của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào. Các giấy kiểm dịch thực vật được cấp sai quy định, không đúng tên gỗ, đơn vị xuất - nhập, không có tên Công ty Ngọc Hưng...

Kết quả xác minh qua Văn phòng Interpol tại Công văn 5054 ngày 4/8/2015 của Cục đối ngoại Bộ Công an, Công ty East Well (đối tác xuất khẩu gỗ của Công ty Ngọc Hưng) chỉ kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường biển và mua bán động cơ, không kinh doanh gỗ.

Công ty không có giám đốc nào tên Zang Chung Hai (người ông Liệu cho rằng đàm phán mua gỗ với mình) và cũng không có hồ sơ thể hiện ông này nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đại diện VKS, mục đích của hai bị cáo là hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, không phải nộp thuế xuất nhập khẩu với số tiền hàng tỷ đồng.

VKS đề nghị sử dụng Kết luận 783 để định tội các bị cáo vì Kết luận 151 chưa đảm bảo tính pháp lý. Vị này lý giải Công văn 57 của Cục điều tra chống buôn lậu yêu cầu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật hỗ trợ giám định không được coi là văn bản trưng cầu giám định theo quy định của luật tố tụng hình sự.

VKS cũng cho rằng Kết luận 783 sử dụng Thông tư 01 ngày 4/1/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn áp dụng việc cân gỗ quy đổi ra thể tích là phù hợp vì thời điểm này thông tư đã có hiệu lực.

 

 

Mộc Lan