Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1958) 01 năm 16 ngày tù, bị cáo Trần Thị Dung (SN 1961, cùng trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)) 09 tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng cùng về tội “Buôn lậu”.

Tuyên phạt các bị cáo Đỗ Lý Nhi (SN 1972) và Lê Xuân Thành (SN 1962, cùng trú TP.Đông Hà, Quảng Trị) 09 tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng, Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) 06 tháng tù treo, thời gian thử thách là 12 tháng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

leftcenterrightdel

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. 

Theo cáo trạng, cuối năm 2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng nhập gỗ trắc từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) về Việt Nam. Để nhập cảnh trót lọt qua cửa khẩu, Trương Huy Liệu là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã chỉ đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam rồi xuất khẩu đi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hành vi của bị cáo còn có sự giúp sức tích cực của Trần Thị Dung (Giám đốc công ty Ngọc Hưng, vợ của Liệu). Bà Dung có hành vi ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ... Hành vi của Dung đã đồng phạm về tội “Buôn lậu” với Liệu.

Đối với các bị cáo Nhi, Thành là công chức Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu trên, nhưng đã không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu.

Đỗ Danh Thắng là công chức Hải quan thuộc CCHQ Khu công nghiệp Đà Nẵng, Cục Hải quan TP.Đà Nẵng, được giao nhiệm vụ tổ chức việc khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu của công ty Ngọc Hưng.

Trong bản cáo trạng, VKSND tối cao đã kết luận: “Hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, số tiền thuế công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Liệu được xác định là người tổ chức, thực hiện hành vi buôn lậu. Bị cáo Dung là người giúp sức cho Liệu thực hiện hành vi buôn lậu. Các bị cáo Nhi, Thắng, Thành có hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ để hai bị cáo trên thực hiện hành vi buôn lậu.”

Sau khi thẩm vấn và tranh tụng tại tòa, tại phần tuyên án, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng xác định, trong biên bản khám xét của Chi cục Hải quan Đà Nẵng xác định, có 1 chủng loại gỗ nghi không phải là gỗ trắc. Theo kết luận giám định ngày 12/03/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thể hiện chủng loại nghi không phải là gỗ trắc chính là gỗ giáng hương có khối lượng 21, 506 m3 có giá trị hơn 471 triệu.

“Việc các bị cáo và luật sư cho rằng không có gỗ giáng hương hoặc có gỗ giáng hương cũng nằm trong tổng số khối lượng 535,8 m3 gỗ mà công ty đã khai báo là không có cơ sở để chấp nhận.

Bên cạnh đó, việc công ty không khai báo hải quan số lượng gỗ giáng hương này trong thủ tục nhập, xuất khẩu và không có trong hợp đồng mua bán số hàng hóa đã vi phạm đã phạm tội “Buôn lậu” theo khoản 2 Điều 153 BLHS 1999.” HĐXX nhận định.

Đối với các bị cáo  Nhi, Thành được giao nhiệm vụ kiểm tra làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu của công ty Ngọc Hưng nhưng các bị cáo làm không đúng, không đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc kiểm hóa toàn bộ lô hàng là 22 container của công ty Ngọc Hưng tập kết tại khu vực Chi cục Hải quan Cảng Cửa Việt khi chỉ mới 4 xe có mặt. Bên cạnh đó, khi kiểm hóa, Nhi Và Thành không ghi rõ số hiệu container và số niêm phong của xe đã kiểm hóa. Tờ khai Hải quan có 03 mặt hàng gỗ trắc có mã số thuế xuất khác nhau, nhưng hai bị cáo chỉ kiểm tra một mặt hàng gỗ trắc. Khi đo đạc, đối chiếu lý lịch gỗ, phát hiện nhiều thanh không có số hiệu đầu thanh những Nhi, Thành vẫn kết luận mã số, xuất xứ, khối lượng cho cả lô gỗ đúng như tờ khai hải quan đã khai báo và đề xuất cho thông quan, làm thủ tục chuyển cửa khẩu để xuất khẩu. Các bị báo Nhi và Thành cũng thừa nhận lúc kiểm tra không biết đã có đủ 22 xe hay chưa. Các bị cáo không phát hiện ra hành vi buôn lậu gỗ giáng hương của bị cáo Liệu và Dung với giá trị 471 triệu.

Đối với bị cáo Đỗ Danh Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Đà Nẵng được giao nhiệm vụ tổ chức khám xét lô hàng có biểu hiện vi phạm. Chiều ngày 28/12/2011 bị  cáo ra quyết định khám xét đối với container kí hiệu YMLU 4744719 nhưng do không phân công nhiệm vụ cụ thể, không phổ biến kế hoạch, mục đích, nội dung, yêu cầu. Tổ khám xét không biết cụ thể ai là người chủ trì việc khám xét, không chuẩn bị phương tiện khám xét nên khi làm việc chỉ kiểm tra 57 thanh gỗ xẻ ở bên trên/ 8.001 hộp thanh gỗ có trong container, không kiểm tra số gỗ còn lại ở bên dưới. Sau đó, do trời tối, Tổ khám xét dừng việc kiểm tra, lập Biên bản khám xét.

Mặc dù tỷ lệ kiểm tra thấp với thời gian ngắn, nhưng ngày hôm sau, Đỗ Danh Thắng không chỉ đạo khám xét tiếp mà đã phê vào Tờ trình xin thông quan của Công ty Ngọc Hưng cho phép 21 container được làm thủ tục xếp hàng lên tàu xuất cảnh và ban hành Công văn gửi Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt thông báo không phát hiện lô hàng có vi phạm, đã làm thủ tục xuất khẩu chuyển cửa khẩu. Bị cáo Thắng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khám xét thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan nên đã không phát hiện ra hành vi buôn lậu của công ty Ngọc Hưng.

Hành vi của các bị cáo Nhi, Thành, Thắng đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”.

Về số tiền bán đấu giá lô gỗ (gần 64 tỉ đồng), HĐXX xét thấy chỉ có căn cứ xác định bị cáo Liệu, Dung buôn lậu 21,506 m3 gỗ giáng hương (trị giá gần 1,2 tỉ đồng) nên tuyên phạt tịch thu, sung công quỹ Nhà nước số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Số tiền còn lại không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo nên cần trả lại cho Công ty Ngọc Hưng (hơn 62,6 tỉ đồng). 

HĐXX cũng nhận định trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT cũng như Cục điều tra chống buôn lậu có một số vi phạm trong tố tụng hình sự.

Đối với sự việc anh Trần Đình Quang (người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan) đã tự tử và để lại di thư kể lại việc bị ép cung, nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ việc này. 

HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND tối cao xem xét, chỉ đạo tiếp tục làm rõ việc anh Quang có bị ép cung hay không. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc làm thất lạc biên bản lời khai ngày 20/5/2013 của anh Trần Đình Quang. 

Ngoài ra, đối với lô gỗ là vật chứng của vụ án, HĐXX nhận định không thuộc hàng dễ hư hỏng hay khó quản lý. Việc vụ án đang trong quá trình điều tra, nhưng cơ quan điều tra cho bán lô gỗ là không đúng với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, có dấu hiệu xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Do đó, HĐXX kiến nghị Cục điều tra của VKSND tối cao khởi tố vụ án hình sự về hành vi bán tang vật để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau 1 tuần xét xử, ngày 23/8, TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên án sơ thẩm đối với vụ buôn lậu gỗ kéo dài 7 năm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

Được biết, đối với vụ án này, đây đã là lần thứ 4, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên toàn xét xử công khai. Ba lần trước đó, tòa án này phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra vì phát sinh nhiều tình tiết mới, mâu thuẫn với các lời khai và chứng cứ trước đó.

Mộc Lan