Ngày 16/3/2018, bà Thái Thanh Tâm đến Công an phường 11, quận Bình Thạnh trình báo về việc có một đối tượng có giọng nói ngọng giống hàng xóm mình và sử dụng điện thoại để giả giọng vay tiền.  

Bà Tâm tin tưởng là giọng ông Phạm Văn Phước (thường gọi là Ba Phước) có giọng nói ngọng, nhà ở chung xóm nên cho vay nhiều lần với tổng số tiền 220 triệu đồng. Nhưng sau đó, khi giáp mặt, anh Phạm Văn Phước không thừa nhận nợ nên bà làm đơn tố cáo. 

Vào cuộc, Công an xác định bị cáo Thảo và bốn bị hại gồm bà Tâm, Đào Thị Tuyết Lan và ông Trần Văn Mong, Nguyễn Văn Dũng là những người quen trong xóm "sở thùng" (chuyên làm đường rác trên địa bàn TP HCM). Bốn bị hại trên hành nghề cho vay, trong xóm ai cũng biết. Riêng anh Phước cũng là người trong xóm nên Thảo am hiểu con người và gia cảnh của anh.

leftcenterrightdel
Bị cáo Trần Thanh Thảo tại tòa. 

Trước Tết âm lịch năm 2018, Thảo tình cờ gặp Thành có giọng nói ngọng, sứt môi giống như anh Phước nên đã nảy sinh ý định giả mạo anh này để vay tiền của bốn bị hại trên. 

Thảo mua một điện thoại kèm sim giao cho Thành sử dụng. Thảo nhờ Thành tự xưng là "Ba Phước" gọi điện thoại hỏi vay tiền của các bị hại để sang lại đường thùng rác tại quận 12. Trong lúc Thành gọi điện, nếu bốn người trên có hỏi thêm gì về mục đích vay tiền, đời tư gia cảnh anh Phước thì Thảo ngồi kế bên "nhắc tuồng". 

Sau khi họ đồng ý cho vay, Thảo nhờ một người xe ôm đến nơi lấy tiền giúp. Khi tài xế xe ôm đến lấy tiền, người cho vay gọi lại để xác nhận thì Thảo đưa máy Thành nói chuyển để tránh bị phát hiện. Nếu người cho vay vẫn không tin tưởng giao tiền, Thảo sẽ nhờ Thành giả giọng Phước gọi hai người hành nghề xe ôm trong xóm đi nhận tiền thay rồi giao lại cho tài xế xe ôm mà Thảo nhờ... 

Mỗi lần vay tiền, Thảo trả công cho xe ôm trong xóm 50.000 đồng, tài xế ôm lấy tiền giao trực tiếp mình trả 100.000 đồng. Mỗi lần giả giọng “Ba Phước” vay tiền, Thảo trả tiền công cho Thành là 1-2 triệu đồng/lần./.
Tuấn Anh