Trước đó, tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, Lê Thị Chi (SN 1992, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã nhờ Phạm Anh Tuấn (SN 1997, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển.

Thông qua Tuấn, Lương Kiều Tính (SN 1980, trú tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)  là đối tượng chuyên buôn bán trái phép trứng rùa biển, đã bán cho Chi 5 quả trứng rùa biển với giá 250.000 đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là Đỗ Thị Lệ Hoa (SN 1975, trú tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cất số trứng này vào valy của bà Hoa để đưa về đất liền.

leftcenterrightdel
 Tang vật thu giữ trong vụ án.

Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ tại Cảng Hàng không Côn Đảo. Bốn trong 5 quả trứng trên được xác định là trứng Vích.

Với các hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã nhận được những bản án thích đáng. Cụ thể, đối tượng Lương Kiều nhận bản án 12 tháng tù. Đối tượng Đỗ Thị Lệ Hoa cùng con dâu Lê Thị Chi bị xử phạt lần lượt 500 triệu đồng và 550 triệu đồng. Tài xế taxi Phạm Anh Tuấn nhận bản án 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách 24 tháng.

Trước đó, cuối tháng 1/2024, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tuyên phạt 30 tháng tù cho 1 đối tượng tại Côn Đảo vì có hành vi tàng trữ trái phép 29 quả trứng rùa biển ngâm rượu.

Vích (Chelonia mydas) là một trong năm loài rùa biển có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, đồng thời được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, vích được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Huyện đảo Côn Đảo tự hào là “bãi đẻ” lớn nhất của vích tại Việt Nam. Mỗi năm, có hàng trăm cá thể vích đến các bãi biển ở Côn Đảo để đẻ trứng.

Bản án nghiêm khắc này hi vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng tiêu thụ, buôn bán, vận chuyển trái phép trứng rùa biển.

 

PV