|
|
Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm lần 2. |
Tại phiên tòa, đại diện VKS nêu quan điểm bị cáo Vững không thuộc trường hợp bắt buộc phải có luật sư. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc. Vì những lẽ trên, chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục xét xử.
Theo cáo trạng, tối ngày 25/6/2014, tổ tuần tra CSGT quận Tân Bình do Như làm tổ trưởng, đứng chốt tại giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Đến 22h20, tổ công tác phát hiện ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên tổ tuần tra ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Sau khi đo nồng độ cồn, tổ tuần tra lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, ông Chín không đồng ý. Với tư cách tổ trưởng, Như giải thích nhưng người vi phạm vẫn không ngừng cự cãi, la lối.
Sau đó, Như điện thoại cho người quen là Nguyễn Minh Chung kể lại sự việc. Đồng thời, Như nhờ Chung đánh dằn mặt và đuổi ông Chín đi khỏi nơi tổ làm việc. Nghe điện thoại của Như, Chung rủ thêm Hạnh, Vững, Vương đi đánh hội đồng ông Chín.
Khi đến, Chung dẫn ông Chín đi khỏi khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ rồi cùng Hạnh, Vương, Vững lao vào đánh ông tới tấp cho đến khi người dân kéo đến can ngăn.
Khoảng 24h cùng ngày, tổ tuần tra đi về trụ sở thì CSGT Lê Trường Giang phát hiện ông Chín ngồi trên lề đường nên gọi taxi đưa ông Chín về nhà. Trên đường đi, ông Chín kêu đau và nhờ tài xế đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Đến 4h05 ngày 27/6/2014, ông Chín tử vong.
Đến tháng 11/2014, Như bị bắt tạm giam. Tháng 9/2016, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Phạm Sỹ Hoài Như, Nguyễn Minh Chung mỗi bị cáo 12 năm tù, 3 bị cáo còn lại từ 5 - 11 năm tù.
Đến tháng 9/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Theo yêu cầu từ tòa phúc thẩm, cơ quan điều tra tiếp tục ghi lời khai của các bị cáo.
Theo đó, Hạnh, Vững, Vương giữ nguyên lời khai ban đầu rằng Chung chỉ đạo họ đi đánh ông Chín. Trái lại, Chung khai bản thân không hay biết việc Vững, Vương, Hạnh ra tay đánh ông Chín. Về lý do thay đổi lời khai, Chung nghĩ rằng nếu thừa nhận hành vi phạm tội và khai Như có liên quan thì sẽ nhận mức án nhẹ nhưng bản án sơ thẩm tuyên quá nặng. Vì vậy, Chung quyết định thay đổi lời khai ở tòa phúc thẩm.
Cơ quan điều tra xét thấy lời khai của Chung phù hợp với lời khai của Hạnh, Vững; cũng như các cuộc gọi trong điện thoại của Như và diễn biến vụ án. Do đó, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định Như, Chung, Hạnh, Vương và Vững phạm tội "Cố ý gây thương tích".
Tuy nhiên, tại phiên toà hôm nay, bị cáo Chung bất ngờ thay đổi lời khai, bị cáo khai được Như gọi điện đến để đưa ông Chín về chứ không phải gọi tới đánh dằn mặt như đã khai trước đó, “Bị cáo thấy rằng mình khai được nhờ đánh dằn mặt là sai, sẽ gây oan sai cho bị cáo Như và làm thay đổi bản chất vụ án”, bị cáo Chung khai. Bị cáo Như cũng khẳng định lời khai của Chung là đúng, bị cáo chỉ gọi nhờ Chung tới đưa ông Chín về cho an toàn.
Còn chị Thảo, vợ ông Chín cho hay, khi nhận được tin chồng vào cấp cứu trong bệnh viện, chị chạy tới thì thấy ông Chín quằn quại và nói “Bố bị công an đánh, công an ác quá”. Cũng theo chị Thảo, ông Chín nói tự gọi taxi vào bệnh viện. Chị Thảo còn khẳng định, chồng chị là người hòa nhã nên kết luận điều tra cho rằng anh lớn tiếng cự cãi là không đúng.
Trả lời VKS, bị cáo Dũng khai nhận được điện thoại của Chung gọi điện nhờ, nói tới Tân Quỳ - Tân Quý có việc nên bị cáo rủ mọi người cùng đi, khi tới nơi gặp Chung và Hạnh, nghe mọi người nói đánh dằn mặt ông Chín, do Chung nhờ.
Phiên xét xử dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày./.