Ngày 13/5, bước sang ngày thứ tư, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 11 bị cáo liên quan đến việc giao đất trái quy định cho Công ty Tân Việt Phát đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 45 tỉ đồng. 

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát dành thời gian đối đáp, tranh luận với các quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và hàng loạt cựu cán bộ, quan chức tỉnh Bình Thuận liên quan đến vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45 tỉ đồng.

Sau khi trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 11 bị cáo đã nhận được gần 30 luật sư đưa ra quan điểm bảo vệ cho các bị cáo.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đã thể hiện được bản lĩnh, lập luận sắc bén trước quan điểm bào chữa của luật sư. 

Tại phiên tòa, quan điểm của nhiều luật sư nhất trí về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng nhiều luật sư cho rằng, mức hình phạt mà VKS đề nghị còn nặng, có thể xem xét giảm nhẹ hoặc cho bị cáo được hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt để miễn hình phạt cho bị cáo, bởi đặt trong bối cảnh và do nhiều nguyên nhân. Một số bị cáo là cấp dưới, thực hiện là theo chỉ đạo của cấp trên, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, thực hiện do áp lực chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước. Nhiều bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt nhiều bị cáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn, mẹ già, còn thơ, là trụ cột chính của gia đình; các bị cáo không có các tình tiết tăng nặng...

Về việc này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, ngoại trừ việc đề nghị xử phạt bị cáo bằng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc miễn hình phạt cho bị cáo, chúng tôi không chấp nhận vì không có căn cứ. Nhiều nội dung luật sư đưa ra, Viện kiểm sát rất chia sẻ, thấu hiểu và đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận để xem xét, đánh giá khi lượng hình, đảm bảo ra một bản án thể hiện tính nhân văn, đúng quy định pháp luật.

“Các vị luật sư và các bị cáo có thể thấy mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị trong phần luận tội là hết sức nhân văn. Tất cả các bị cáo Viện kiểm sát đều đề nghị áp dụng linh động Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để đề nghị xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhiều bị cáo còn được đề nghị dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề; có đề nghị áp dụng Nghị quyết 03/2020 của HĐTPTATC để phân hóa rõ vị trí vai trò của từng bị cáo. Mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị là trên cơ sở đã ghi nhận tất cả các tình tiết giảm nhẹ và sự chia sẻ, thấu hiểu với những nguyên nhân, điều kiện, bối cảnh phạm tội của các bị cáo”, đại diện Viện kiểm sát đối đáp.

Phía luật sư cũng nêu quan điểm không nhất trí về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và cho rằng bị cáo không phạm tội, vì nếu có phạm tội thì phạm tội khác với tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, thậm chí đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Về nội dung trên, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, cáo trạng của VKSND tối cao đã xác định rõ hành vi của các bị cáo đã vi phạm vào khoản 3 Điều 108; điểm b, c khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013. Trong cáo trạng và trong lập luận, đại diện Viện kiểm sát đã lập luận vì sao 11 bị cáo phạm tội theo Điều 219 Bộ luật Hình sự và 1 bị cáo phạm tội theo Điều 360 Bộ luật Hình sự. Về diễn biến hành vi khách quan thì các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình như nội dung cáo trạng, khách thể, chủ thể cũng đã rõ.

Đại diện Viện kiểm sát đánh giá, các bị cáo vốn là những người được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, giữ nhiều vị trí khác nhau, thấp nhất là Phó trưởng phòng đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nên các bị cáo hoàn toàn biết và buộc các bị cáo phải biết các quy định pháp luật liên quan khi được giao tham mưu, đề xuất và Quyết định.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đối đáp, tranh luận với quan điểm của các luật sư tại phiên tòa sáng 13/5. 

Đối với quan điểm của luật sư cho rằng, cần xem xét đánh giá lại vị trí, vai trò của các bị cáo trong vụ án để có thể phân hóa hình phạt. Như bị cáo Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng truy tố của VKS, tuy nhiên, bị cáo Hai cho rằng, việc quy kết bị cáo với vai trò chính là không đúng, bị cáo chỉ đồng ý về mặt chủ trương, việc tham mưu, đề xuất là do cấp dưới.

Về nội dung này, đại diện Viện kiểm sát ghi nhận, đánh giá cao thái độ của bị cáo Nguyễn Ngọc Hai trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa ngày hôm qua, đã thể hiện thái độ cơ bản thành khẩn, thẳng thắn.

Đại diện Viện kiểm sát khẳng định, trong Cáo trạng của Viện kiểm sát và luận tội không có cụm từ nào nói rằng bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu như kiến nghị của bị cáo. Chủ mưu, cầm đầu có thể bị cáo hiểu là có sự bàn bạc, chỉ đạo từ Chủ tịch xuống dưới nhưng ở đây không phải như vậy.

Còn về vị trí, vai trò, chúng tôi xác định, bị cáo có vai trò chính, bởi các lý do sau đây: Thứ nhất, xét về chức năng, nhiệm vụ: Theo quy định tại Điều 4 Quy chế làm việc của UBND tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2016-2021 ban hành kèm theo QĐ số 42/2016, ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận quy định về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch UBND tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND tỉnh, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm của mình quy định tại khoản 1 Điều 22, khoản 1,2 Điều 121 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất đối với 3 lô đất nêu trên, bị cáo còn là đại diện của chủ sở hữu, giao đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Theo Quyết định số 2078, ngày 18/7/2017 về việc phân công công việc Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên UBND nhiệm kỳ 2016-2021, quy định tại Điều 1 thể hiện Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo chung mọi hoạt động và công tác trong chức trách, nhiệm vụ của UBND tỉnh theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế làm việc; quản lý chung, toàn diện công tác của UBND tỉnh, chịu trách nhiệm cá nhân về thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự phân công, kể cả công việc được ủy quyền cho các ủy viên UBND tỉnh…

Thứ hai, bị cáo cũng phải có ý thức được rằng hành vi của mình mang tính chất quyết định, việc các cá nhân ở các cơ quan cấp dưới cũng chỉ là có kiến nghị, tham mưu, đề xuất, còn quyết định hay không là do bị cáo.

Thứ ba, bị cáo trước khi làm Chủ tịch UBND tỉnh đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau trên các lĩnh vực công tác khác nhau, qua đó để thấy bị cáo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước và có trình độ về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai chứ không như bị cáo nói là chưa có nhiều kinh nghiệm, trình độ.

leftcenterrightdel
 4 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. 

Đại diện Viện kiểm sát một lần nữa khẳng định, từ những phân tích trên có thể thấy, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai chịu trách nhiệm với vai trò chính trong vụ án.

Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, việc sau khi đã có Quyết định giao đất, cho thuê cho Công ty Tân Việt Phát 3 lô đất, khi có sự phản ánh của dư luận bị cáo đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính rà soát, báo cáo; trên cơ sở đó Giám đốc Sở Tài chính đã có công văn số 2420 gửi Chủ tịch. Sau đó bị cáo Hai cũng đã báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy. Về nội dung này bị cáo chỉ thể hiện trách nhiệm, cần ghi nhận để xem xét lượng hình với bị cáo chứ không phải là căn cứ để cho rằng bị cáo đã không phạm tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 hay là không chịu trách nhiệm với vai trò chính.  

Vũ Phương