TAND tỉnh Phú Yên vừa đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại một Ngân hàng thương mại chi nhánh tỉnh Phú Yên.

Theo cáo trạng, năm 2008 và 2009, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông thổ sản An Bình (Công ty An Bình) do ông Hồ Minh Hậu - Ủy viên Hội đồng quản trị, ông Hậu được 8 cổ đông Công ty An Bình ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
  Các bị cáo tại phiên tòa.

Ông Hậu chỉ đạo lập thủ tục vay vốn tín dụng hơn 312 tỉ tại BIDV Phú Yên. Tài sản thế chấp là toàn bộ mặt hàng sắn lát của Công ty An Bình và 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong đó có 8 GCNQSDĐ của Nguyễn Thành Hiếu và 3 GCNQSDĐ tại tỉnh Đồng Nai của hai ông Trần Đình Hoàng và Trần Ngọc Hưng. BIDV Phú Yên tự định giá 11 GCNQSDĐ nêu trên là hơn 87,76 tỉ đồng.

Đến ngày 3/9/2009, Hồ Minh Hậu và Công ty An Bình vẫn không thực hiện được việc sang tên 11 GCNQSDĐ nêu trên cho Hậu, nên không thể đăng ký giao dịch bảo đảm, không hoàn thành thủ tục thế chấp để đảm bảo khoản vay tại BIDV Phú Yên cho Công ty An Bình. Đến tháng 12/2009, Hậu bỏ trốn. Số nợ mà Công ty An Bình nợ BIDV Phú Yên đến thời điểm đó là 62 tỉ đồng nợ gốc và gần 1,27 tỉ đồng nợ lãi.

Sau đó, Nguyễn Công - Giám đốc BIDV, Chủ tịch hội đồng tín dụng chỉ đạo các thuộc cấp lập thủ tục để Công ty Hiếu Anh do Nguyễn Thành Hiếu làm Giám đốc thế chấp 8 GCNQSDĐ để vay 55 tỷ đồng. Công ty CP Sản xuất - Xây dựng – Thương mại Thanh Quang do Trần Đình Hoàng làm Giám đốc, thế chấp 2 GCNQSDĐ để vay 48 tỷ đồng và cá nhân ông Trần Ngọc Hưng thế cấp 1 GCNQSDĐ để vay 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó các ông Hiếu, Hoàng, Hưng không trả được nợ vay kế tiếp.

Cáo trạng của VKSND Phú Yên cho biết, mặc dù biết rõ phương án vay vốn không bảo đảm điều kiện theo quy định, không có tính khả thi nhưng các cán bộ của BIDV Phú Yên vẫn thống nhất định giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất cao gấp 14 lần so với khung giá đất của địa phương ban hành, lập hồ sơ, thủ tục cho vay.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Công.

Hành vi phạm tội của Nguyễn Công cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng gần 33,7 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị can đã nộp khắc phục hậu quả hơn 24,1 tỉ đồng. Do hành vi của các bị cáo xảy ra tại thời điểm năm 2008 và 2009 nên bị VKSND tỉnh Phú Yên truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179 BLHS 1999.

Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công (SN 1956 - cựu Giám đốc BIDV, Chủ tịch hội đồng tín dụng) 2 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuyến (SN 1958 – cựu Phó Giám đốc BIDV Phú Yên) và Nguyễn Phú Phong (SN 1975 - cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng) 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Đức (SN 1976 - cựu Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro) 1 năm tù và Nguyễn Thành Hiếu (SN 1978, Giám đốc Công ty Hiếu Anh, trú tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) 5 năm tù.

Xuân Nha - Quốc Hùng