VKSND TP Đà Nẵng vừa phối hợp với TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền quản lý nhà thờ tộc và yêu cầu hủy quyết định cá biệt” giữa nguyên đơn là ông Dương Ph. và bị đơn là ông Dương Văn T. (cùng trú TP Đà Nẵng).
Theo nội dung vụ án, trước đây, ông Dương V.T (ông Tổ họ Dương tại làng Hải Châu) có tạo lập được một thửa đất (địa chỉ cũ tại phố Sabiela, ngõ Hải Hạc, đường Ông Ích Khiêm, khu phố Hải Châu, quận nhất, thị xã Đà Nẵng) có số hiệu 1001, có diện tích 7 sào (tương đương 3.850m2). Sau khi ông Dương V.T qua đời, các con trai của ông là ông Dương Hữu N. và Dương Hữu P. tiếp tục kế nghiệp, quản lý và sử dụng nhà, đất này làm nơi thờ tự tổ tiên tộc Dương. Sau khi ông N. qua đời thì Dương Văn H. (con trai ông N.) rồi đến ông Dương Văn M. (con trai ông H.) kế nghiệp, quản lý, sử dụng đất, nhà thờ tộc Dương.
|
|
Phiên tòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm về vụ án dân sự liên quan đến đất đai trên địa bàn Đà Nẵng. (Ảnh minh họa) |
Năm 1954, ông M. và em trai là ông Dương Văn L. tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc nên Gia tộc họ Dương quyết định cử ông Dương Tr. là cháu đích tôn của ông Dương Hữu P. làm trưởng tộc, đứng ra quản lý, sử dụng nhà và đất tộc Dương. Năm 1966, Hội đồng gia tộc tộc Dương quyết định bán một phần đất và lấy tiền xây dựng nhà thờ (địa chỉ cũ tại số 77 Ông Ích Khiêm, khối phố Hải Hạc, phường Hải Châu).
Sau khi quê hương được giải phóng, ông M. và ông L. từ miền bắc trở về. Năm 1977, ông Dương Tr. làm một biên bản bàn giao toàn bộ bất động sản và các tài sản khác lại cho ông Dương Văn M. (trưởng tộc) quản lý, sử dụng và lo hương khói, giỗ chạp ông bà tộc Dương (văn bản có chứng nhận của chính quyền địa phương sở tại). Tháng 10/1977, ông M. lập biên bản bàn giao toàn bộ nhà, đất cho ông Dương Văn L. (em trai ông M.) (văn bản có xác nhận của Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nơi ông M. công tác).
Đến năm 1984, ông L. qua đời, vợ và con ông L. tiếp tục quản lý, sử dụng nhà thờ tộc Dương cho đến nay. Năm 2014, ông Dương Văn T. (con trai ông Dương Văn L.) đứng ra kê khai, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Ngày 24/1/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BR 71xxxx, đứng tên nhà thờ tộc Dương (đại diện ông Dương Văn T.).
Tuy nhiên, ông Dương Ph. (con trai của ông Dương Tr.) cho rằng ông Dương Văn T. không phải là con của ông Dương Tr. và không phải là cháu nội bên phái của ông Dương Hữu P. nên không có quyền đứng ra kê khai làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được quyền đại diện tộc Dương trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, ông Ph. khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 71xxxx ngày 24/1/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường đứng tên nhà thờ tộc Dương (đại diện ông Dương Văn T.), công nhận ông Ph. và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan được đứng tên đại diện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và buộc ông Dương Văn T. bàn giao nhà và đất của nhà thờ tộc Dương cho ông Ph. quản lý.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của HĐXX, của đương sự và những người tham gia phiên tòa. Trên cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị nội dung vụ án kỹ càng, Kiểm sát viên đã phân tích, trích dẫn điều luật đưa ra các chứng cứ trực quan, sinh động, đặt ra những câu hỏi có trọng tâm, rõ ràng đối với các bên đương sự để làm sáng rõ nội dung vụ án.
Qua nghiên cứu hồ sơ và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên nhận thấy, ông Dương Văn T. (bị đơn) là cháu trai thuộc nhánh thứ nhất của tộc Dương (nhánh bên ông Dương Hữu N.); ông Dương Văn M. (bác ruột ông Dương Văn T.) không có con trai. Ông Dương Ph. (nguyên đơn) là cháu trai nhánh thứ hai tộc Dương (nhánh bên ông Dương Hữu P.). Theo vai vế trong tộc Dương thì ông Ph. gọi ông Dương Văn T. bằng anh. Trước đó (năm 1977), ông Dương Tr. đã lập biên bản bàn giao toàn bộ đất đai, nhà thờ tộc Dương cho ông Dương Văn M. quản lý, sử dụng và ông M. bàn giao lại cho ông Dương Văn L. (em ruột ông M. và cha ruột bị đơn T.). Ông M. không có con trai nên ông Dương Văn T. là cháu đích tôn, trưởng tộc Dương. Vì vậy, năm 2014 việc ông T. đứng ra đại diện tộc Dương kê khai, làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất nhà thờ tộc Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BR 71xxxx, đứng tên nhà thờ tộc Dương (đại diện Ông Dương Văn T.) với mục đích sử dụng tín ngưỡng là có cơ sở, đúng quy định (Giấy này không cấp cho cá nhân ông Dương Văn T.). Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Dương Ph. là không có cơ sở để chấp nhận.
Đại diện VKSND TP Đà Nẵng đã đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Dương Ph.
Quan điểm trên của Viện kiểm sát đã được HĐXX chấp nhận. TAND TP Đà Nẵng đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Ph.
Kết thúc phiên tòa, Phòng 9 VKSND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.