Bị cáo Đinh La Thăng không biết Kết luận thanh tra về Oceanbank?
Trả lời thẩm vấn của đại diện VKS về việc Bộ tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình Oceanbank trước khi góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng trình bày: Công văn đó chỉ để PVN biết, không để thực hiện, nhưng thực tế PVN đã triển khai trước các yêu cầu của Bộ Tài chính.
Khi đại diện VKS công bố kết luận thanh tra số 427, năm 2012 của Ngân hàng nhà nước cho thấy, Oceanbank thua lỗ, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng: Bản thân bị cáo không biết đến kết luận thanh tra này và các kết luận khác lúc ông đang ở PVN đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.
Được hỏi về trách nhiệm, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình phải chịu trách nhiệm về việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị Chủ tịch tập đoàn. Nhưng khả năng thu hồi 800 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thuộc HĐTV PVN vì bị cáo đã chuyển công tác từ năm 2011.
Trước câu hỏi của đại diện VKS về việc bị cáo Đinh La Thăng ký Nghị quyết góp vốn vào Oceanbank trước, xin ý kiến Thủ tướng sau?, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng: Không có quy định Thủ tướng phê duyệt nghị quyết của HĐQT.
HĐQT chỉ thống nhất mua một phần của Oceanbank, Thủ tướng đồng ý mới thực hiện. Trong nghị quyết có nhiều nội dung nhưng chưa phải là quyết định, mới là báo cáo. Sau khi Thủ tướng đồng ý mới có quyết định đầu tư, do TGĐ PVN ban hành.
|
|
Bị án Hà Văn Thắm đến tòa với tư cách người làm chứng |
Bị triệu tập đến tòa với tư cách là nhân chứng, Hà Văn Thắm trình bày, Oceanbank việc hợp tác giữa PVN và Oceanbank là việc cần cho cả hai bên. Một điều kiện trong việc hợp tác này được ông Thăng đưa ra cho Thắm - Oceanbank phải tiếp nhận nhân viên và cơ sở vật chất của NH Hồng Việt. "Anh Thăng nói, nếu cậu ký thì phải chắc chắn tôi mới báo cáo lên Thủ tướng", Hà Văn Thắm trình bày.
Thừa nhận trách nhiệm
Luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi với bị cáo Đinh La Thăng để làm rõ về lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ đồng) của PVN vào Oceanbank. Theo cáo buộc, sau khi Hà Văn Thắm có văn bản gửi PVN báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch, đề nghị PVN tăng vốn điều lệ ở mức tối đa 20% vào Oceanbank.
Tại thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định.
Lẽ ra bị cáo Đinh La Thăng với trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV phải chỉ đạo việc thoái vốn tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 15%. Tuy nhiên, ngày 10/5/2011, ông Đinh La Thăng lại ký Quyết định giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Trình bày trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, trong lần góp vốn này, ông đang đi công tác dài ngày và có ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng. Cựu Chủ tịch HĐQT PVN khẳng định, bị cáo ủy quyền điều hành chứ không ủy quyền biểu quyết thay một nghị quyết của HĐQT nào cụ thể.
“Việc mua thêm cổ phần tăng vốn của Oceanbank không có chủ trương, chủ trương đã có từ trước đó chứ không phải ký thêm đợt 3 để nâng tỷ lệ lên 20%” - bị cáo Đinh La Thăng nói và cho biết, PVN muốn thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng.
Bị cáo Đinh La Thăng khai rằng, bản thân không biết gì về Nghị quyết số 4266 về việc góp thêm vốn vào Oceanbank; bị cáo không ký, không tham gia biểu quyết, thống nhất Nghị quyết, khi đi công tác về cũng không biết.
“Bị cáo rất tôn trọng báo cáo của anh Xuân Thắng, tuy nhiên bị cáo không được nghe trực tiếp anh Thắng báo cáo. Bị cáo hoàn toàn không biết nghị quyết đó. Nếu biết, bị cáo đã có chỉ đạo dừng thực hiện.
Bị cáo nhận trách nhiệm của người đứng đầu và người ủy quyền điều hành. Bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho anh Thắng, anh Sơn, Liêm, Trường, Đức giả sử có vấn đề gì không đúng. Bị cáo xin nhận thay tất cả“ - bị cáo Đinh La Thăng nói.
Ngọc Đức – Hoàng Thanh