Chiều 20/7, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dành thời gian cho các luật sư hỏi các bị cáo trong vụ án liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả quy mô vô cùng lớn, lên đến hơn 260 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, trong số 36 bị cáo trong vụ án, đa phần các bị cáo đều thừa nhận Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát là đúng người, đúng tội danh.

Tuy nhiên, riêng bị cáo Trần Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ công tác 304 (Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương) lại phủ nhận cáo buộc nhận tiền hối lộ 300 triệu đồng giúp chủ sách lậu Cao Thị Minh Thuận không bị xử lý hình sự.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Cao Thị Minh Thuận. 

Đáng chú ý, trong số các bị cáo trong đường dây sản xuất mua bán, sản xuất sách giáo khoa lậu là “bà trùm” Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng đồng phạm đã tổ chức sản xuất 9.473.891 quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản khác với tổng trị giá theo giá in trên bìa là 260.098.890.880 đồng; đồng thời đã tiêu thụ được 6.342.076 quyển sách giả, tổng trị giá theo giá in trên bìa là 164.290.630.380 đồng, giá bán thực tế 73.342.270.454 đồng và đã được thanh toán tổng số tiền 30.068.953.321 đồng.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận được xác định là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát.

Tại phiên tòa, trước bục khai báo, bị cáo Cao Thị Minh Thuận thừa nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội danh.

Bị cáo Thuận cũng khai đã nhờ Nguyễn Duy Hải gặp gỡ, đặt vấn đề với bị cáo Trần Hùng nhờ giúp bỏ qua và không bị xử lý hình sự. Thuận đồng ý chi 400 triệu đồng để Hải gặp bị cáo Trần Hùng để nhờ giúp đỡ và cảm ơn.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận cũng khai, bị cáo Nguyễn Duy Hải có gọi điện cho bị cáo về việc đã cảm ơn ông Trần Hùng 300 triệu đồng. 

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Duy Hải. 

Chiều 20/7, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hùng. Bị cáo Nguyễn Duy Hải bức xúc cho rằng, trong vụ án này, bị cáo không được gì nhưng đã phải đứng đây. Bị cáo đã đưa 300 triệu đồng cho Trần Hùng tại phòng làm việc.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải cho biết, sau khi ăn trưa cùng ông Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim đều thuộc Tổ công tác 304 Tổng cục Quản lý thị trường, bị cáo Hải đi bằng lối cửa sau gặp ông Trần Hùng trong phòng làm việc và đưa 300 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc vì sao biết cửa sau để lên phòng ông Trần Hùng, bị cáo Nguyễn Duy Hải cho biết, trước đó đã đi cùng ông Trần Hùng qua lối cửa sau nhiều lần.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải khai, vào khoảng 1h trưa bị cáo đi cửa sau lên phòng anh Trần Hùng và đưa tiền cho Trần Hùng. Sau đó bị cáo đi về nhà.

Trả lời câu hỏi của luật sư, vì sao anh Trần Hùng nói nhà có việc đi về rồi mà anh vẫn quay trở lại trụ sở cơ quan ông Trần Hùng, bị cáo Nguyễn Duy Hải khai được ông Kiều Nghiệp (thành viên Tổ công tác 304 Tổng cục Quản lý thị trường) hướng dẫn cho tôi bảo tôi lên phòng anh Hùng đi.

Nói về khoảng thời gian buổi trưa được cho rằng nhận tiền hối lộ 300 triệu đồng của bị cáo Nguyễn Duy Hải, bị cáo Trần Hùng khai, "trưa hôm đó, nhà có giỗ ông nội. Tôi đi xe ôm từ Tổng cục về nhà mất khoảng 10 phút".

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát cũng đặt câu hỏi truy vấn một số bị cáo về cáo trạng truy tố có đúng người, đúng tội. 

Cáo trạng chỉ rõ, quá trình Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành giải quyết vụ việc vi phạm xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, lợi dụng chức vụ là Tổ trưởng Tổ công tác 304, Tổng cục Quản lý thị trường có quyền tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải, tiếp nhận yêu cầu của Thuận, hướng dẫn Thuận thay đổi lời trình bày về nguồn gốc số sách thu giữ, làm sai lệch bản chất vụ việc, đồng thời chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện cho Thuận theo hướng xử lý hành chính đối với vụ việc.

Ngoài việc hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận thay đổi về nguồn gốc sách đã thu giữ, bị cáo Trần Hùng còn điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện giúp đỡ cho Thuận theo hướng xử lý hành chính đối với vụ việc xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát.

 

Vũ Phương