Liên quan đến chất lượng sách giáo khoa lớp 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có những phản ánh tới Bộ GD&ĐT về việc cử tri bức xúc về chất lượng sách giáo khoa lớp 1 và cho rằng, một số nội dung sử dụng hình ảnh, từ ngữ chưa phù hợp với đặc trưng của vùng miền và mang tính phản cảm,...

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tào cần rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tránh làm ảnh hưởng xấu đến công tác dạy và học, đặc biệt là công tác giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ bậc tiểu học.

leftcenterrightdel
Câu chuyện trong sách giáo khoa lớp 1 này từng khiến phụ huynh lo lắng.  

Trước phản ánh trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là lần đầu tiên nước ta thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông có một số sách giáo khoa (SGK) cho mỗi môn học; xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Thực hiện chủ trương này, ngay từ khi dự thảo chương trình được công bố, đã có nhiều nhà xuất bản triển khai biên soạn SGK. Các SGK khác nhau có cách thức thể hiện khác nhau về kênh chữ, kênh hình nhưng đều bảo đảm yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 SGK thuộc 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản.

Việc có nhiều bộ SGK đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh lựa chọn và ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.

Trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học; một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4090/BGDĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và các nhà xuất bản có SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ GD&ĐT.

Hiện nay, các Hội đồng thẩm định, tác giả và các nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong các lần tái bản.

Mặc dù việc chỉnh sửa/hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện như đối với các SGK trước đây, nhưng việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK trong thời gian vừa qua có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định, các Nhà xuất bản và các tác giả.

leftcenterrightdel
Bài tập đọc Hai con ngựa trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều.

Bộ GD&ĐT tiếp thu và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong SGK và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định.

Vũ Phương