Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải để nhân dân góp ý bản thảo sách giáo khoa trước khi phê duyệt
Cập nhật lúc 12:25, Thứ tư, 04/11/2020 (GMT+7)
Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trước sự quan tâm rất lớn của các đại biểu liên quan đến vấn đề sách giáo khoa (SGK), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có phát biểu, góp phần làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.
Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến vấn đề SGK. Phó Thủ tướng khẳng định, theo Luật, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề SGK. Phó Thủ tướng cho biết, trong tất cả các phiên họp của Chính phủ gần đây đều có đưa vấn đề SGK ra bàn luận, trong đó có những điểm, nội dung chưa phù hợp trong bộ SGK Cánh Diều (lớp 1).
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng 4/11. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu Quốc hội chia sẻ liên quan đến vấn đề SGK. Phó Thủ tướng chia sẻ, trong thời gian vừa qua, bản thân ông đã nhận được nhiều cuộc gọi và ông cũng dành nhiều thời gian để gặp gỡ các thầy cô giáo, các bậc cao niên, các nhà khoa học và nhân dân để lắng nghe những góp ý, phản ánh rất quý báu của họ về vấn đề SGK.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: Trước đây 1 chương trình chỉ có 1 bộ SGK, bây giờ 1 chương trình có nhiều bộ SGK. Trước vấn đề này, ông có hỏi các cô giáo là bây giờ ví (so sánh) việc này như thế nào để nhân dân dễ hiểu? Có cô giáo trả lời ông rằng: ví như trước đây chúng ta quy định chỉ có 1 bộ SGK thì cũng giống như quy định đồng phục áo dài chỉ có 1 màu và 1 kiểu. Bây giờ 1 chương trình nhiều bộ SGK để phát huy sáng tạo và tránh độc quyền.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các lãnh đạo Quốc hội chủ trì, điều hành phiên làm việc sáng 4/11. |
“Nghĩa là chỉ quy định áo dài, còn màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau nhưng cái áo dài đấy, nhìn vào đó vẫn thấy ngay đó là áo dài. Và vì vậy, dù có nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa (bộ sách cũ - PV) và trách nhiệm đó thuộc về Bộ GD&ĐT và Bộ GD&ĐT không thể làm được nếu như không có sự đóng góp rất quan trọng của các thầy cô giáo, các nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là toàn thể nhân dân” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
“Chúng tôi đã chỉ đạo rồi. Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm (đưa lên các phương tiện truyền thông như báo chí, cổng thông tin điện tử… - PV) trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên và những người có kinh nghiệm dạy trẻ người ta sẽ góp ý và qua đó mình tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng, còn ý kiến chưa đúng thì mình có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận. Vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Vũ Cảnh