Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày.

Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa, Tòa Hình sự - TAND thành phố Hà Nội làm Chủ tọa.

Về phía đại diện VKSND thành phố Hà Nội, tham gia phiên tòa có 6 Kiểm sát viên.

leftcenterrightdel
 Ông Trịnh Văn Quyết khi chưa bị khởi tố. 

Trong số 50 bị cáo, Trịnh Văn Quyết (SN 1975, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Minh Huế (Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC), Trịnh Thị Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) bị xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn 47 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội: “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

TAND thành phố Hà Nội xác định, có 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) là bị hại trong vụ án.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác được Tòa án triệu tập.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Trong đó, riêng cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có 3 luật sư tham gia bào chữa.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thành lập năm 2009 do Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT. Trong hệ thống của Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết đã thành lập 17 công ty con, công ty liên kết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 31.367 tỉ đồng; 8 công ty liên quan nhằm mục đích đăng ký niêm yết, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 39.207 tỉ đồng; 57 công ty vệ tinh, có tổng số vốn điều lệ đăng ký là 21.000 tỉ đồng. Trịnh Văn Quyết là người có vai trò quyết định trong tổ chức bộ máy và quyết định hoạt động kinh doanh như: Chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kế toán, Tài chính của Tập đoàn, chỉ định các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc của các công ty con, công ty liên kết và các công ty liên quan; quyết định, chỉ đạo các hoạt động tài chính, kinh doanh chính của cả hệ thống 82 công ty nêu trên, với tổng số vốn điều lệ theo đăng ký là 91.574 tỉ đồng (trong đó có Công ty FAROS, Công ty BOS và một số công ty có liên quan trong vụ án này).

Tại Tập đoàn FLC: Doãn Văn Phương là Tổng Giám đốc (từ năm 2012 đến 2015); Hương Trần Kiều Dung là Tổng Giám đốc (từ tháng 5/2015 đến tháng 3/2017); Trịnh Thị Minh Huế, em gái của Trịnh Văn Quyết là nhân viên Ban Kế toán; Trần Thế Anh, Ban Pháp chế. Tập đoàn FLC đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh năm 2013, mã cổ phiếu FLC.

Theo cáo trạng, nhóm bị can bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự có 31 bị can. Trong đó, bị can Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên thành Công ty Faros và dùng Công ty Faros làm công cụ, phương tiện để chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm, thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng; chỉ đạo lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận là Công ty đại chúng; được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị để chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỉ đồng của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân của Trịnh Văn Quyết.

Bị can Trịnh Văn Quyết khai nhận, hành vi phạm tội như trên và đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 189,5 tỉ đồng.

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, bị can Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp nhận chỉ đạo từ Trịnh Văn Quyết thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng; hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE; bán cổ phiếu, thu tiền chuyển cho Trịnh Văn Quyết sử dụng.

Vũ Phương