Chiều 24/12, phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 đã chuyển sang phần tranh luận. Trước khi bước vào tranh luận, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã công bố bản luận tội đối với 17 bị cáo, đồng thời, đưa ra quan điểm giải quyết vụ án.

leftcenterrightdel
  Bị cáo Trần Tùng trước bục khai báo.

Đối với hành vi Nhận hối lộ của bị cáo Trần Tùng và Trần Thị Quyên:

Theo đại diện Viện kiểm sát, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, bị cáo Trần Tùng (SN 1978, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) và bị cáo Trần Thị Quyên (SN 1986, trú tại phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen vàng Đất Việt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là đầu mối tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép công dân từ Nhật Bản về nước được cách ly tại tỉnh Thái Nguyên, với sự giúp sức của Trần Thị Quyên thông qua việc ký kết hợp đồng trọn gói dịch vụ cách ly y tế cho công dân từ Nhật Bản nhập cảnh về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên, Trần Tùng đã có hành vi nhận hối lộ 3 lần của ông Lê Văn Nghĩa với tổng số tiền 4.418.000.000 đồng.

Lời khai của bị cáo Trần Tùng phù hợp với lời khai của ông Lê Văn Nghĩa, Trần Thị Quyên về việc Trần Tùng yêu cầu ông Nghĩa phải ký hợp đồng dịch vụ cách ly với Công ty Sen Vàng Đất Việt của Trần Thị Quyên; chỉ đạo Quyên và thỏa thuận, yêu cầu ông Nghĩa với giá dịch vụ trọn gói của hợp đồng là 18 triệu đồng, nhưng khi ký hợp đồng chỉ thể hiện số tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/01 khách cách ly, số tiền chênh lệch còn lại từ 6 - 8 triệu đồng sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên, để Quyên chuyển lại cho Trần Tùng; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

“Vì vậy, hành vi của Trần Tùng đã cấu thành tội “Nhận hối lộ” và hành vi của Trần Thị Quyên cấu thành tội “Nhận hối lộ” với vai trò đồng phạm giúp sức. Do ông Lê Văn Nghĩa đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ của ông Nghĩa là phù hợp”, đại diện Viện kiểm sát nêu.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

Sau chuyến bay ngày 28/9/2021, ông Vũ Hồng Nam (Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; đã bị xét xử tại giai đoạn 1 của vụ án) không cho ông Lê Văn Nghĩa tiếp tục thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản hồi hương và cách ly y tế tại tỉnh Thái Nguyên mà để tỉnh Thái Nguyên tự đề cử công ty phối hợp đưa công dân về nước.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Thị Quyên trước bục khai báo.

Để tiếp tục được hưởng lợi từ các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về nước và cách ly y tế tại tỉnh Thái Nguyên, Trần Tùng đã giới thiệu với ông Vũ Hồng Nam và lựa chọn Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản) thay ông Lê Văn Nghĩa.

Theo đó, Bùi Thị Kim Phụng sẽ liên hệ bán vé trọn gói cho công dân, thuê máy bay chở công dân từ Nhật Bản đến sân bay Nội Bài; chuyển tiền để Trần Tùng thực hiện dịch vụ đón công dân từ sân bay Nội Bài về địa điểm cách ly, thực hiện các dịch vụ cách ly cho công dân.

Trần Tùng sử dụng chủ trương cách ly ban hành theo Công văn số 3065/UBND-KGVX ngày 2/7/2021 và hướng dẫn Bùi Thị Kim Phụng mượn pháp nhân của Công ty cổ phần Én Việt để xin Cục Lãnh sự cấp phép 2 chuyến bay. Đồng thời, đề nghị ông Vũ Hồng Nam có công văn đề nghị Cục Lãnh sự cấp phép chuyến bay cho Công ty Én Việt.

Để tiếp tục thực hiện các dịch vụ cách ly y tế cho công dân, Trần Tùng đã đề nghị ông Vũ Hồng Nam ký công văn đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý tiếp nhận công dân về trên 10 chuyến bay.

Ngày 15/11/2021, ông Vũ Hồng Nam ký Công điện đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận công dân về trên 10 chuyến bay; đồng thời, ký công điện gửi Cục Lãnh sự cho phép Công ty Én Việt được thực hiện 10 chuyến bay. Việc đưa tên Công ty Én Việt vào Công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản là theo sự đề nghị của Trần Tùng.

Ngày 28/12/2021, Trần Tùng ký công văn số 1125 của Sở Ngoại vụ Thái Nguyên đề nghị Cục Lãnh sự hỗ trợ cấp giấy phép chuyến bay cho Công ty Én Việt để đưa công dân từ Nhật Bản hồi hương về cách ly tại Thái Nguyên.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay phối hợp với Bùi Thị Kim Phụng và Trần Tùng còn là người liên hệ trực tiếp với Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự) và Lưu Tuấn Dũng (nhân viên Cục Lãnh sự, đều đã bị đưa ra xét xử tại giai đoạn 1 của vụ án) để đặt vấn đề hỗ trợ cấp phép chuyến bay cho Công ty Én Việt.

Thông qua hành vi làm trái công vụ như đã nêu trên, Trần Tùng đã hưởng lợi cá nhân số tiền hơn 3,2 tỉ đồng. Lời khai của bị cáo Trần Tùng phù hợp với lời khai của bị cáo Trần Thị Quyên, ông Vũ Hồng Nam, Lưu Tuấn Dũng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do vậy, có đủ căn cứ kết luận hành vi của Trần Tùng đã cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ. quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Tùng từ 7-8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, từ 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đề nghị đối với bị cáo Trần Tùng là từ 12-14 năm tù; tuyên phạt bị cáo Trần Thị Quyên từ 2-3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Hồng Nguyên - Vũ Phương