Ngày 4/1/2022, phiên xét xử các bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - SADECO) cùng 18 bị cáo khác liên quan đến sai phạm tại Công ty SADECO kết thúc phần xét hỏi.

leftcenterrightdel
Đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm luận tội 

Trước khi bước sang phần tranh luận, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm luận tội.

Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đầu vụ trong vụ án để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước tại SADECO. Là người giữ cương vị Phó Bí thư thường trực Thành ủy, bị cáo là người đứng đầu được giao quản lý tài sản của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, cũng như trực tiếp phụ trách Văn phòng Thành ủy là chủ sở hữu vốn Thành ủy tại IPC.

Do đó bị cáo buộc phải biết rõ mọi quy định liên quan đến vấn đề phát hành cổ phần và tăng vốn điều lệ tại SADECO phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá trị cổ phần theo qui định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP, nhưng vẫn bút phê “Đồng ý” chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông được chỉ định là công ty Nguyễn Kim.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi bút phê “Đồng ý” tại tờ trình số 1148 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy nhưng cho rằng mình đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh tại tòa cho rằng với vai trò chỉ đạo điều hành, nếu không được bị cáo đồng ý thì Văn phòng Thành ủy không thể thống nhất với SADECO về việc chuyển nhượng cổ phần cho công ty Nguyễn Kim; cũng như sau khi bị cáo đồng ý thì UBND Thành phố là cơ quan chủ sở hữu của IPC mới có ý kiến về việc giảm vốn nhà nước và phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược theo công văn thỉnh thị của IPC.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử

Như vậy việc bút phê nói trên của bị cáo đã gây thiệt hại cho SADECO số tiền 1.103 tỉ đồng, trong đó tài sản của nhà nước là vốn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh bị thất thoát hơn 184 tỉ đồng. Cáo trạng của VKSND TP Hồ Chí Minh truy tố bị cáo Tất Thành Cang về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự với vai trò đầu vụ là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật

Với vai trò trong vụ án và những hậu quả gây ra cho Nhà nước và xã hội, cùng với thái độ khai báo quanh co không thừa nhận hành vi phạm tội, cố tình né tránh trách nhiệm tại tòa hôm nay của bị cáo Tất Thành Cang, đã thể hiện thái độ thiếu ăn năn hối cải của một người từng là lãnh đạo, nên cần phải có một bản án nghiêm khắc mới đủ răng đe và đảm bảo tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát cũng cân nhắc nhiều tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Tất Thành Cang khi đề nghị mức hình phạt từ 12-14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự.

Đối với bị cáo Tề Trí Dũng, với vai trò Tổng giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO, là người giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tại hai công ty trong khi đa số các bị cáo khác trong vụ án đều là cấp dưới. Bị cáo Tề Trí Dũng đã thực hiện xuyên suốt các hành vi phạm tội trong vụ án với vai trò chính, nên phải chịu trách nhiệm về số tiền nhà nước bị thất thoát gần 670 tỉ đồng ở hành vi chuyển nhượng cổ phần cho công ty Nguyễn Kim, gần 2,2 tỉ đồng ở hành vi tổ chức đi du lịch trái quy định và gần 4,7 tỉ đồng ở hành vi tham ô tài sản. Trong đó, riêng bị cáo Tề Trí Dũng đã chiếm hưởng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.

Với vai trò chính trong vụ án và những hậu quả đã gây ra cần phải có bản án nghiêm khắc đối với bị cáo Tề Trí Dũng. Tuy nhiên do trong quá trình điều tra, đặc biệt là tại phiên xét xử bị cáo luôn có thái độ khai báo rõ ràng, thành khẩn, ăn năn hối cải cũng như bản thân có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử dưới khung hình phạt.

Cụ thể, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng mức án từ 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự; từ 9-10 năm tù về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điều 353 Bộ luật hình sự. Tổng hợp hình phạt từ 20-22 năm tù.

Đối với 18 bị cáo còn lại trong vụ án, tùy vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội cũng như các căn cứ giảm nhẹ hình phạt, VKSND TP Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 2-3 năm tù cho hưởng án treo đến 21 năm tù.

Việt An - Tuấn Anh