Chiều 9/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng các bị cáo trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đã kết thúc phần tranh luận. HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án.
|
|
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng trước bục khai báo. |
Được nói lời sau cùng, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết, từ ngày vào trại tạm giam đến nay, sức khỏe của bị cáo giảm sút rất nhiều, vận động khó khăn do tuổi cao, bệnh tật nhiều. Bị cáo mong HĐXX quan tâm xem xét, giúp bản thân bị cáo trong quá trình thực hiện việc chấp hành án sau này, để đỡ gánh nặng cho các cơ quan giam giữ và gia đình.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Lê Thanh Vân bày tỏ sự tiếc nuối khi bản thân chưa từng vi phạm, luôn cống hiến cho quê hương, đất nước nhưng nay lại phải đứng trước Tòa vì vi phạm của bản thân.
“Hôm nay, tôi rất cảm động vì HĐXX đã lắng nghe phần tranh tụng. Tôi tin rằng HĐXX nghe hết, cái nào có lý, có tình, thuyết phục để ra bản án hợp tình, hợp lý, đúng với lòng tôi”, bị cáo Vân nói.
|
|
Bị cáo Lê Thanh Vân tại phiên xét xử. |
Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Vương cho biết, bản thân trưởng thành từ lực lượng Công an, công tác 13-14 năm ở Văn phòng Chủ tịch nước. “Mong HĐXX hết sức lưu tâm, xem xét, quyết định mức hình phạt đối với bị cáo”, bị cáo Vương nói.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Minh Cường (Cường “quắt”) thừa nhận sai phạm của bản thân. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nhưỡng vì tuổi cao; Còn bị cáo Vũ Đăng Phương mong HĐXX lưu tâm, xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng ngày 13/1/2025.
Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho rằng, bị cáo Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội, đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành các quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh nhưng đã không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm, khách quan, nhiều lần gọi điện, tác động các cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.
Các bị cáo tuy am hiểu pháp luật nhưng cố tình phạm luật. Trong vụ án "bảo kê" để Cường và Phương ép doanh nghiệp "cắt phế" khai thác cát, bị cáo Nhưỡng đã dùng nhiều cách, tạo cho Cường có "sức mạnh tinh thần" để hai bị cáo này ép, vòi tiền của doanh nghiệp. Số tiền các bị cáo hưởng lợi trong các vụ án đều trên một tỉ đồng.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân, có cống hiến trong các khóa làm đại biểu Quốc hội; đã khắc phục hậu quả...
Theo đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 10 đến 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù);
Cùng bị Viện kiểm sát đề nghị mức án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, bị cáo Lê Thanh Vân bị đề nghị từ 7 đến 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Vương bị đề nghị từ 13 đến 14 năm tù;
Cùng với đó, đại diện VKSND tỉnh Thái Bình đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Minh Cường từ 7 đến 8 năm tù; bị cáo Vũ Đăng Phương từ 6 đến 7 năm tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.