HĐXX quyết định nghị án dài ngày, sẽ tuyên án vào ngày 19/6/2019

Bị cáo Hoàng Công Lương: Xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để ra một bản án nhân đạo.

Không còn nguyện vọng kêu oan như tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Khi được nói lời sau cùng tại phiên toà sơ thẩm trước đó, bị cáo chỉ ngắn gọn khẳng định mình không có tội, chỉ là bác sĩ cứu chữa người bệnh chứ không thể đảm bảo nguồn nước chạy thận đã đảm bảo hay chưa.

Hôm nay, Lương thay đổi kháng cáo, nhận tội và xin được giảm án, hưởng án treo. Trong lời sau cùng, Lương đã dành thời gian để nói rất nhiều về sự cố chạy thận, về nỗi mất mát của gia đình các nạn nhân, về hoàn cảnh gia đình cũng như sự thay đổi nhận thức của mình.

"Nỗi đau, sự mất mát của người nhà bệnh nhân cũng là nỗi đau của bị cáo và nhân viên trong bệnh viện nói chung. Phiên phúc thẩm đã giúp bị cáo nhận ra được quy định của pháp luật, nhận thức được cuộc sống và xã hội xung quanh.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hoàng Công Lương

Đặc biệt, bị cáo đã nhận thức ra được hành vi của bị cáo phần lớn là do khách quan. Nếu ngày hôm đó không phải bị cáo thì sẽ là một nhân viên y tế khác", Hoàng Công Lương nói.

Lời sau cùng, Hoàng Công Lương mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để ra một bản án nhân đạo.

"Mong HĐXX giảm án, không cách ly ra khỏi xã hội để bị cáo có cơ hội được làm người có ích, tiếp tục cống hiến cho ngành y", Hoàng Công Lương cho hay.

Lần đầu tiên tại phiên toà, Hoàng Công Lương nói về hoàn cảnh gia đình. Hoàng Công Lương chia sẻ, có con nhỏ, đặc biệt còn có một người cháu đang gặp vấn đề về sức khỏe.

"Mong HĐXX xem xét để bị cáo được theo dõi, chăm sóc đặc biệt cho người cháu đó từ nay cho đến tuổi trưởng thành", Lương bày tỏ.

Trước đó, Lương là người duy nhất được VKSND đồng ý chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, đề nghị HĐXX giảm án, tuyên phạt từ 36-39 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Dù vậy, đại diện VKS không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo này.

Còn ông Hoàng Văn Hướng (luật sư duy nhất bào chữa cho Lương) đưa ra rất nhiều căn cứ và tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX giảm hình phạt 42 tháng tù của tòa sơ thẩm xuống dưới 36 tháng tù, từ đó cho thân chủ của mình được hưởng án treo.

Cựu giám đốc BV Trương Quý Dương nhận trách nhiệm, gửi lời xin lỗi tới nhiều người.

Bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV) thừa nhận với trách nhiệm của một con người, một thầy thuốc cống hiến, xin nhận trách nhiệm trước nhân dân và đặc biệt các nạn nhân xấu số, thân nhân của các nạn nhân.

“Xin lỗi anh chị em BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, nơi tôi đã có già nửa cuộc đời gắn bó. Các bị cáo ngồi đây đều là anh em, đồng chí của tôi. Tôi đã không dẫn dắt, bảo vệ được anh em, đồng chí.…” – ông Dương nói.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trương Quý Dương

Theo bị cáo này, sự cố chạy thận ngày 29/5/2017 là mất mát quá lớn của gia đình người bệnh, của ngành y tế và nhân dân. Toàn bộ ngành y tế đã có sự cảnh tỉnh, tự nhìn lại mình, có quy trình về lọc máu…

"Đây là bài học của bị cáo, cũng là lời cảnh tỉnh cho xã hội và đồng nghiệp. Bị cáo mong muốn quý toà, nhân dân, công luận mở lòng đại lượng cho các đồng nghiệp để anh em còn cơ hội cống hiến", cựu Giám đốc BV kết thúc.

Trước đó, trong phần bào chữa của mình, bị cáo Dương cho rằng, việc thành lập Đơn nguyên Lọc máu được đặt tại Khoa HSTC Bệnh viện đa khoa Hoà Bình xuất phát từ việc Hòa Bình có nhiều bệnh nhân suy thận phải chuyển lên tuyến trên chạy thận, đồng thời cán bộ bệnh viện đã được đào tạo có yêu cầu phát triển chuyên môn cùng qui hoạch phát triển lên bệnh viện hạng I trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đủ để đáp ứng đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo hiện đại.

Bị cáo và các Phó Giám đốc thực hiện trên nguyên tắc phân công, phân nhiệm cụ thể theo chức năng nhiệm vụ, không có việc bị cáo buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả làm chết 8 bệnh nhân

Bị cáo Dương cũng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, toàn bộ quá trình hơn 7 năm hoạt động từ khi thành lập Đơn nguyên lọc máu (8/3/2010) đến ngày xảy ra sự cố (29/5/2017), các bác sỹ, nhân viên và hệ thống thiết bị máy móc thận nhân tạo đều hoạt động rất hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà nước, cho bệnh viện và lợi ích cho người bệnh. Việc xảy ra sự cố là trường hợp hi hữu, là tai nạn đáng tiếc trong ngành y.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm 

Bị cáo Dương cũng chia sẻ thêm, khi xảy ra sự cố, về mặt chuyên môn, các bác sĩ đã phản ứng là bằng mọi cách để đảm bảo tính mạng cho nạn nhân. Khi sự cố đáng tiếc xảy ra, bị cáo và ban lãnh đạo bệnh viện, đã nỗ lực chỉ đạo tổ chức cấp cứu, ngay sau đó tổ chức họp với Công ty Thiên Sơn để bàn phương hướng khắc phục hậu quả, hỗ trợ chi phí cho gia đình các nạn nhân.

Bị cáo vẫn nhận trách nhiệm của mình với tư cách của người đứng đầu bệnh viện tại thời điểm xảy ra sự cố, nhưng để kết tội bị cáo thì nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải chỉ rõ được bị cáo có lỗi là nguyên nhân dẫn đến hậu quả, phải làm rõ phạm vi trách nhiệm của bị cáo đến đâu bởi lẽ khái niệm trách nhiệm là rất rộng, bao gồm trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự, nhiều khi còn là trách nhiệm lương tâm

Các bị cáo xin được lượng hình để được tiếp tục cống hiến

Bị cáo Khiếu cho hay sau khi xảy ra sự cố đã luôn nhận trách nhiệm thuộc về mình ở góc độ quản lý. Bản thân bị cáo đã công tác trong ngành y hơn 30 năm, mong muốn tiếp tục cống hiến cho nhân dân nếu như được hưởng án treo.

Tương tự, hai bị cáo còn lại là Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó Giám đốc BV) và Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng vật tư) cũng đề nghị HĐXX có mức án khoan hồng.

Trong khi đó, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (cựu Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) bày tỏ sự “đau đớn vì không thể chứng minh được mình vô tội”.

Bị cáo này cũng nói rất đau lòng khi chưa làm rõ được nguyên nhân dẫn tới cái chết của các nạn nhân, đồng thời mong HĐXX cho mình được hưởng mức án thấp nhất và không bị cách ly khỏi xã hội.

Trước đó, VKSND cũng bác bỏ đơn kêu vô tội của bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc). Bản án sơ thẩm đã tuyên 30 tháng tù đối với Đỗ Anh Tuấn là không oan, đúng người, đúng tội. Do vậy, VKS không chấp thuận kháng cáo kêu oan của Đỗ Anh Tuấn.

Bản án sẽ có ảnh hưởng đến cả ngành y

Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 13/6, khi được hỏi việc xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương (tội vô ý gây chết người) có tạo ra tiền lệ xấu? đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng: Đúng là như vậy. Đây không phải vấn đề của Hoàng Công Lương mà đây là vấn đề của cả ngành y tế. Chính vì vậy mà Bộ Y tế đã lên tiếng rất mạnh mẽ.

leftcenterrightdel
 ÔNg Nguyễn Quang Tuấn: Bản án sẽ có tác động đến cả ngành y

Theo đại biểu thành phố Hà Nội, nhân dân kiên nhẫn chờ phiên tòa xét xử nghiêm minh nhưng cũng phải khách quan để không tạo ra tiền lệ xấu cho tất cả nhân viên y tế. Nhiều người nói rằng nếu kết luận bác sĩ Hoàng Công Lương có tội thì sẽ có rất nhiều bác sĩ chuyển sang phòng thủ. Nghĩa là họ bảo vệ họ trước khi bảo vệ bệnh nhân, nếu như vậy người thiệt thòi nhất chính là người bệnh”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

Đại biểu thành phố Hà Nội cũng cho rằng dưới góc độ chuyên môn, lỗi này là lỗi quy trình, bởi nếu bác sĩ Hoàng Công Lương có tội thì tất cả những người làm vị trí đó đều có tội. Cho dù đó là những giáo sư đầu ngành, những người giỏi nhất.

Trước đó, trong phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 5 bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận, TAND tỉnh Hoà Bình mời đến phòng xử hai giám định viên (Viện khoa học hình sự - Bộ Công an) và nhiều đại diện của các đơn vị thuộc Bộ y tế, Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế) cho biết vụ án là sự cố y khoa nghiêm trọng. Suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, Bộ Y tế có quan điểm nhất quán là phải xét xử đúng người, đúng tội, không để oan sai. Ông Quang mong phán quyết của phiên phúc thẩm sẽ tạo sự yên tâm cho chuyên gia và các công chức, người lao động trong ngành y tế.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Huy Quang: Mong phán xét của HĐXX tạo yên tâm cho những người làm trong ngành y 

Theo ông Quang, sau phiên sơ thẩm, Bộ Y tế nhận được nhiều văn bản của các nhà khoa học về kỹ thuật lọc máu, hóa học, pháp y. Sau lần trình bày với Thủ tướng về việc này, Bộ Y tế đề nghị cần có công văn chính thức.

Ngày 16/3, Bộ Y tế ra công văn mật số 41 gửi Thủ tướng về việc xuất hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong sự cố y khoa chạy thận ở Hòa Bình. Công văn này chỉ gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực.

Ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ có công văn mật truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến TAND Tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Y tế. Bộ Y tế từ đây được giao tổng hợp ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật lọc máu, hóa học... để gửi các cơ quan tố tụng.

Trên cơ sở này, Bộ Y tế ra công văn mật số 69 gửi Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND Tối cao để cung cấp tài liệu, chứng cứ khoa học mới liên quan đến quá trình giải quyết vụ án.

Bộ Y tế kiến nghị, vụ tai biến Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân tử vong, bản chất vụ án phải thận trọng, kỹ lưỡng. Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia về pháp lý, trang thiết bị y tế, hóa học... "để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ cho các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình trong vụ án này mà còn cho cả ngành y tế trong hiện tại và tương lai".

Đối đáp ngay sau đó, đại diện Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định không có chứng cứ khoa học mới xuất hiện như Bộ Y tế lập luận. Viện Khoa học chịu trách nhiệm pháp lý về tất cả các kết luận đã giám định.

Về nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân, Viện đã tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia về phân tích. Tất cả cùng kết luận nguyên nhân tử vong do ngộ độc Florua như giám định.

Ngọc Anh