Sáng 25/11, TAND cấp cao tại TP HCM tuyên án phiên phúc thẩm vụ bị cáo Vũ Quốc Hảo - nguyên TGĐ Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (viết tắt là Công ty ALCII) và Đặng Văn Hai – nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Quang Vinh về tội “Tham ô tài sản” tại Công ty ALCII.

HĐXX nhận định: Căn cứ vào hồ sơ, có đủ cơ sở xác định, cuối  năm 2007 – đầu năm 2008, bị cáo Hảo vay của ông Lê Đoàn Tám (trú tại TP Hải Phòng) 2 lần với số tiền 75 tỉ đồng (gồm cả tiền lãi) để chuyển cho ông Lê Văn Phong (đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Hàm Rồng) đầu tư vào Khu căn hộ Trường An (Bình Dương) và mua đất ở quận 7.  Đầu  năm 2009, ông Tám yêu cầu bị cáo Hảo và ông Phong trả nợ nhưng không được.

Để có tiền trả nợ, bị cáo Hảo bàn bạc với bị cáo Hai ký 2 hợp đồng cho thuê và mua tài sản không có thật nhằm rút khỏi Công ty ALCII số tiền 120 tỉ đồng. Sau khi nhận tiền từ Công ty ALCII, Hảo yêu cầu Hai dùng 75 tỉ đồng trả nợ cho ông Tám và đưa cho nhiều người khác, số còn lại 18 tỉ đồng, bị cáo Hai sử dụng cá nhân.

Kháng nghị của VKSND TP HCM và kháng cáo của ông Tám về việc “không buộc ông Tám nộp lại 75 tỉ đồng cho Công ty ALCII” do ông Hảo vẫn đang còn hiện hữu tài sản ở Khu căn hộ Trường An nên cần phát mãi để thực hiện nghĩa vụ bồi thường của ông Hảo.

HĐXX cho rằng, việc ông Tám cho bị cáo Hảo vay tiền để đầu tư vào Khu căn hộ Trường An là giao dịch dân sự thực hiện trước khi tội phạm xảy ra. Sau đó, ông Hảo thực hiện hành vi phạm tội để trả cho ông Tám. Từ đó có đủ căn cứ để xác định nguồn tiền mà bị cáo Hảo trả cho ông Tám là do phạm tội mà có nên cần thu hồi để khắc phục hậu quả.

leftcenterrightdel
Bị cáo Vũ Quốc Hảo kiến nghị phát mãi Khu căn hộ Trường An để trả 75 tỉ cho Công ty ALCII. 

Từ đó, TAND cấp cao tại TP HCM bác kháng nghị, kháng cáo về việc “không buộc ông Tám phải trả 75 tỉ đồng cho Công ty ALCII”. Không chấp nhận kháng cáo của ông Tám và nhiều cá nhân, tổ chức khác. Chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND TP HCM, một phần kháng cáo của Ngân hàng BIDV, Công ty ALCII, sửa một phần bản án liên quan đến trách nhiệm dân sự của các bị cáo như sau:

Bị cáo Hảo và Hai liên đới bồi thường cho Công ty ALCII số tiền 117 tỉ đồng (thất thoát 120 tỉ đồng nhưng chỉ chứng minh được tham ô 117 tỉ đồng); trong đó bị cáo Hảo phải bồi thường là 75 tỉ đồng, bị cáo Hai là 42 tỉ đồng. Buộc ông Lê Đoàn Tám phải nộp lại 75 tỉ đồng trả cho Công ty ALCII để đảm bảo cho việc thi hành trách nhiệm bồi thường của bị cáo Hảo. Số tiền này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Hảo (tức Hảo không cần bồi thường 75 tỉ đồng vì đã có ông Tám nộp thay). Ngoài ra, ông Hảo và ông Hai còn liên đới bồi thường 27 tỉ đồng, mỗi người 13,5 tỉ đồng.

Tiếp tục kê biên Khu căn hộ Trường An để thực hiện thu hồi số tiền 3,4 tỉ đồng của Công ty Hàm Rồng đối với Công ty ALCII. Không chấp nhận việc Ngân hàng BIDV đòi phát mãi Khu căn hộ Trường An để thực hiện nghĩa vụ trả nợ; hủy và đình chỉ một số yêu cầu mà cấp sơ thẩm đã thụ lý và tuyên buộc vượt quá thẩm quyền xem xét.

Quan điểm kháng nghị của VKS và trong phiên tòa phúc thẩm luôn khẳng định rằng, quan hệ vay mượn giữ ông Tám và bị cáo Hảo là ngay tình, là quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, việc vay mượn đã tất toán xong trước khi vụ án được cơ quan công an phát hiện, khởi tố. Tuy nhiên, phán quyết của TAND cấp cao lại bỏ qua tất cả các quan điểm trên để buộc ông Tám “bồi thường” thay?!

Luật sư  Nguyễn Hữu Thao (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) cho rằng: “Tòa buộc ông Tám phải bồi thường thay ông Hảo là không đúng. Thứ nhất, Tòa đã xác định, bị cáo Hảo có tài sản là phần góp vốn 50,63%  tại Khu căn hộ Trường An. Tài sản này hiện nay chỉ đảm bảo để thu hồi 13,5 tỉ đồng và 1/2 trong số 3,4 tỉ đồng.

Thứ hai, tội phạm về tham ô là tội chiếm đoạt, người chiếm đoạt phải là người bồi thường cho Nhà nước. Tức phải sử dụng tiền, tài sản đang sở hữu, sử dụng của người phạm tội để bồi thường. Ở đây không phải là Nhà nước thu hồi mà là người phạm tội phải bồi thường.

Thứ ba, ông Tám là người ngay tình trong giao dịch, không thể buộc một người ngay tình, giao dịch đã hoàn thành phải chịu trách nhiệm được. Trong trường hợp này, tòa phải kê biên, phát mãi Khu căn hộ Trường An để thực hiện nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Hảo với Công ty ALCII, ngoài ra, còn cần kê biên, phát mãi các tài sản khác của bị cáo Hảo để thực hiện bồi thường. Tòa tuyên như thế, giờ tài sản 50,63% của bị cáo Hảo ở Khu căn hộ Trường An ai sẽ hưởng, hay Tòa để “mạnh ai nấy đi đòi”.

“Một bản án rất bất thường. Tại tòa, tôi đã chứng minh, tiền bị cáo Hảo tham ô không phải tang vật vụ án nên không thể thu hồi. Tội tham ô là tội danh chiếm đoạt. Khi hành vi phạm tội hoàn thành, tiền đã chuyển giao về sở hữu, sử dụng. Ông Tám được trả nợ bằng tiền mặt từ Công ty ALCII chuyển sang tài khoản công ty của bị cáo Hai. Hai ký séc cho người khác mang đến ngân hàng rút tiền ra và sau đó mang đến trả cho ông Tám. Đồng thời, việc trả nợ hoàn thành trước khi vụ án được phát hiện. Nếu tuyên như HĐXX thì sao HĐXX không truy xuất luôn dòng tiền từ ông Tám rồi đi đâu để thu hồi đúng số tiền mà ông Hảo sử dụng sau khi phạm tội.

Trong khi đó, hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng BIDV và Công ty Hàm Rồng là hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nên không đúng pháp luật, không được công chứng nên không được ưu tiên phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Mặt khác, việc vay mượn của Ngân hàng BIDV và Công ty Hàm Rồng đã được giải quyết bằng một vụ án khác. Từ đó, VKSND TP HCM đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Ngân hàng BIDV. Thế nhưng, TAND cấp cao lại chấp một phần kháng cáo của Ngân hàng BIDV là không có căn cứ, thể hiện sự khuất tất. Tôi có khỏi “có phải HĐXX chấp nhận một phần cho BIDV là chấp nhận hợp đồng thế chấp” thì không thấy ai trong HĐXX trả lời”- Luật sư Thao nêu.

Thùy Dương