Cựu Chủ tịch Lê Nam Trà so sánh mức án với đồng phạm
Sáng nay, 24/4/2020, phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa, nhận hối lộ” trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được TAND cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử tiếp tục diễn ra. Phiên tòa được mở do 9/14 bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù.
Trước đó, ngày 23/4, phiên tòa đã diễn ra với phần xét hỏi, đứng trước tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Nam Trà, (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị tòa sơ thẩm tuyên mức án 23 năm tù giam) trình bày lý xin giảm án vì chỉ là đơn vị thừa hành theo chỉ đạo của lãnh đạo trong giao dịch MobiFone mua AVG.
Đối với tội Nhận hối lộ, bị cáo Lê Nam Trà trình bày là bị động, bất ngờ chứ không chủ động đòi hỏi có tiền riêng khi giao dịch Mobifone mua AVG. “Tôi nhận thức là sai, tôi đã chủ động khai báo, hợp tác trả lại số tiền chứ không giống như những bị cáo khác khai là không nhận tiền, sau lại thay đổi lời khai. Đây là mấu chốt giúp làm rõ vụ án, là tình tiết tích cực giúp làm sáng tỏ vụ án, mong được Hội đồng xét xử xem xét”, bị cáo Trà nói.
|
|
Bị cáo Lê Nam Trà tại phiên phúc thẩm |
Bên cạnh đó, bị cáo Lê Nam Trà còn trình bày trước tòa phúc thẩm theo hướng so sánh mức án bị tòa sơ thẩm tuyên trước đó với bị cáo Cao Duy Hải, cựu Tổng Giám Mobifone; Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông. Bị cáo Lê Nam Trà cho rằng, bản thân mình bị tuyên mức án 7 năm tù cho tội danh Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công là nặng hơn Cao Duy Hải (4 năm tù), Trương Minh Tuấn (6 năm tù).
“Sếp” nữ Mobifone lấy lí do chữa bệnh, xin giảm án
Bị cáo Phan Thị Hoa Mai (thành viên HĐTV Mobifone) xin tòa phúc thẩm cho được hưởng án treo sau khi bản sơ thẩm tuyên bà này 2 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Nữ bị cáo trình bày trong thương vụ mua cổ phần AVG, giá mua là vấn đề quan trọng nhưng giá mua và tỷ lệ giao dịch không thuộc trách nhiệm quản lý của tập thể HĐTV Mobifone, trong đó có bản thân bị cáo.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm |
Đề cập lý do xin giảm án và cho hưởng án treo, bị cáo Mai cho biết trong 15 năm làm Kế toán trưởng của Mobifone, trước khi trở thành thành viên HĐTV đơn vị này, bị cáo không mắc sai phạm nào.
Ngoài ra, hiện bị cáo bị trầm cảm và đang điều trị tại bệnh viện sức khỏe tâm thần. "Tôi phải uống thuốc hướng thần".
Bị cáo Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone) cũng xin giảm nhẹ hình phạt để có thời gian điều trị bệnh. Bị cáo Phương Anh trình bày rằng sắp tới bà phải phẫu thuật nên xin HĐXX cho được hưởng án treo sớm trở về với gia đình
Các bị cáo xin giảm án vì vai trò … mờ nhạt
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó Tổng Giám đốc khác của Mobifone) khi được hỏi cũng thừa nhận tội danh Vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng bị cáo cho rằng hình phạt 2 năm 6 tháng tù là nặng nên xin tòa xem xét.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên xin tòa miễn hình phạt. Bị cáo trình bày đã nhiều lần kiến nghị về việc vi phạm điều lệ trong hợp đồng liên quan thương vụ AVG nhưng cấp trên lờ đi, không xem xét. Bị cáo cũng kiên quyết từ chối ký vào một số biên bản liên quan thương vụ.
Ngoài ra, trong các cuộc họp liên quan việc mua cổ phần, bị cáo Nguyên luôn đưa ra ý kiến phản đối xác đáng, thậm chí thể hiện sự không đồng ý trên các văn bản, nhưng HĐTV và Ban giám đốc Mobifone không xem xét các ý kiến này.
Trong vụ án, vai trò của bị cáo rất mờ nhạt. Kết luận điều tra của cơ quan công an cũng nêu bị cáo được giao tổng hợp dự án nhưng thực tế không tham gia". Bị cáo xin miễn hình phạt sơ thẩm.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Duy Quang, nguyên Thẩm định viên Công ty AMAX kháng cáo xin giảm hình phạt.
Theo bị cáo Quang: Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 3 năm tù giam là quá nặng. Bị cáo cho rằng, mức án không công bằng với bị cáo vì bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, vai trò của bị cáo mờ nhạt.
Bị cáo Quang cho rằng, một số bị cáo có vai trò hơn bị cáo, có chức vụ trong cơ quan Nhà nước nhưng lại được hưởng mức án nhẹ hơn. Bị cáo thấy không công bằng. Bị cáo chỉ mong xem xét lại vai trò của bị cáo
Tuy nhiên, bị cáo Quang cũng thừa nhận có ký báo cáo thẩm định giá trị AVG, và biết rõ mục đích thẩm định giá là để mua bán doanh nghiệp. Bị cáo không biết rõ tài sản thực của AVG, chỉ thẩm định theo bản kế hoạch kinh doanh, hồ sơ tài liệu Mobifone cung cấp. Chiểu theo quy định về thẩm định viên, bị cáo có sai, bị cáo không khảo sát, kiểm kê thực tế. Giá trị thẩm định AMAX đưa ra cao gấp 15 lần giá trị thực của AVG.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 26/4/2020.