Mối “lương duyên” nhóm khách hàng dầu khí và OceanBank

Theo tài liệu thuộc giai đoạn I vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của OceaBank thể hiện: Năm 2007, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank), Chủ tịch HĐQT là Hà Văn Thắm, có các cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) (nắm 20% cổ phần), Tập đoàn Đại Dương (20% cổ phần), Công ty TNHH VNT (20% cổ phần)…

Tính tới tháng 12/2013, OceanBank trở thành ngân hàng có vốn tới 4.000 tỉ đồng, và được chấp thuận tăng vốn lên 5.350 tỉ đồng. Từ năm 2008, PVN ký thỏa thuận và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của OceanBank, đồng thời góp 800 tỉ đồng vào OceaBank. PVN cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên gửi tiền, sử dụng dịch vụ của OceanBank.

Để quản lý phần vốn góp, PVN giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc của OceanBank. Đầu năm 2009, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank. Nguyễn Xuân Sơn đã chủ động đề nghị với Hà Văn Thắm về việc OceanBank phải chi ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng (lãi ngoài), với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo PVEP nhận lãi ngoài từ OceanBank trước đó.

Nhưng để có tiền chi lãi ngoài, OceanBank phải tăng lãi suất khi cho vay nhằm bảo đảm ngân hàng không bị lỗ, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại quy định trần lãi suất, nên muốn “vượt trần” thì cần có một công ty “sân sau” đứng ra thu phần chênh lệch này. Vì vậy, cả hai bàn bạc và thống nhất sẽ “thu phí” chênh lệch lãi suất của khách hàng vay vốn thông qua BSC - công ty “sân sau” của Hà Văn Thắm. Đồng thời, Hà Văn Thắm chỉ đạo thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi trái với các quy định của Nhà nước về trần lãi suất và chế độ tài chính, kế toán, gây thiệt hại cho OceanBank gần 1.600 tỉ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại OceanBank giai đoạn 1, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank) cùng đồng phạm đã sử dụng hàng ngàn tỉ đồng để chi lãi ngoài cho các doanh nghiệp ngành dầu khí, trái với quy định về lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan CSĐT xác định, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tiết kiệm tại OceanBank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do OceanBank chi trả. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm khách hàng dầu khí đã nhận lãi ngoài từ OceanBank, trái với quy định về lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước với số tiền hơn 1.022 tỉ đồng.

Đại diện VKS nhấn mạnh việc móc nối, tạo ra lợi ích nhóm trong việc chi nhận lãi ngoài của OceaBank

Tại các phiên tòa đã xét xử, đại diện VKS đã đưa ra danh sách các tổ chức nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank. Ngoài số tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng là cá nhân, OceanBank còn chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước, nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của những tổ chức này.

Theo đại diện VKS, các bị cáo khẳng định đã chi tiền cho lãnh đạo của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các Công ty thành viên (PVI), Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 và Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2,…

leftcenterrightdel
 Bị can Nguyễn Xuân Sơn và Vũ Trọng Hải.

Đại diện VKS nhấn mạnh: Điều này cho thấy có dấu hiệu của việc móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tạo ra lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tham nhũng nên đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân, tập thể tại các đơn vị đã khởi tố vụ án và một số tổ chức kinh tế khác, nếu có căn cứ thì xử lý theo đúng quy định để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo đó, Cơ quan điều tra đã bóc tách vụ án để điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chi lãi ngoài của OceanBank. Cho đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hơn 10 vụ án độc lập tại các công ty như: BSR, PVEP, Vinashin, PVPower, PVC,...

Trong đó, điển hình như vụ lãnh đạo PVEP nhận hàng chục tỉ đồng tiền lãi ngoài từ OceanBank: sau khi VKS truy tố, TAND TP Hà Nội đã xét xử, tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hoài Giang, (cựu TGĐ BSR) 7 năm tù, Vũ Mạnh Tùng (cựu Phó TGĐ) 8 năm tù, Đinh Văn Ngọc (cựu TGĐ BSR) 4 năm tù, Phạm Xuân Quang (cựu Phó TGĐ BSR)  6 năm tù.

Với vai trò lãnh đạo, 4 bị cáo đã quyết định gửi tiền vào OceanBank và sau đó được Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng giám đốc OceanBank chi tiền lãi ngoài. Vũ Mạnh Tùng trong thời gian làm Phó tổng giám đốc đã ký 35 hợp đồng, với việc gửi 7.800 tỉ đồng vào OceanBank, nhận 3,7 tỉ đồng tiền lãi ngoài. Nguyễn Hoài Giang ở vị trí Tổng giám đốc cũng được hai lãnh đạo của OceanBank đến gặp và đã ký hợp đồng gửi hơn 11.000 tỉ đồng vào OceanBank, nhận 2,9 tỉ đồng tiền lãi ngoài. Phạm Xuân Quang trong khi làm kế toán trưởng cũng đề xuất ký gửi hơn 19.000 tỉ đồng và nhận tiền chăm sóc 1,8 tỉ đồng. Bị cáo Ngọc ký tờ trình gửi 1.800 tỉ đồng, ký gia hạn hơn 12.000 tỉ đồng nhận 1,3 tỉ đồng tiền lãi ngoài.

Còn tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), trong các năm 2013 và 2014, Từ Thành Nghĩa (Tổng Giám đốc VSP) và Võ Quang Huy (Chánh kế toán VSP) đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Từ Thành Nghĩa xác nhận đã nhận tổng số tiền 1,5 tỉ đồng và 30.000 USD (tổng trị giá hơn 2,1 tỉ đồng) là tiền OceanBank chi lãi ngoài đối với các khoản tiền gửi của VSP vào OceanBank. Bị cáo Võ Quang Huy đã nhận số tiền 5,2 tỉ đồng và 130.000 USD.

Tiếp tục gọi tên “nhóm khách hàng” nhận lãi ngoài từ OceanBank

Mới đây nhất, ngày 7/4, Cơ quan CSĐT (C03 - Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại PVOil và OceanBank; ra các quyết định khởi tố, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc PVOil và bị can Vũ Trọng Hải, cựu Kế toán trưởng PVOil.

Tiếp đó, VKSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với hai bị can này. Các biện pháp tố tụng này là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, phần liên quan đến các tổ chức kinh tế nhận tiền lãi ngoài của OceanBank.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa xét xử các bị cáo nhận lãi ngoài từ OceanBank trước đó.

Theo thông tin điều tra ban đầu, Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng giám đốc OceanBank) khai, tháng 9/2010, khi Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc PVN thì Thu được Nguyễn Xuân Sơn đề nghị trực tiếp làm việc với 3 khách hàng lớn là PVOil, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh dầu khí Vietsoptro (VSP). Đầu năm 2011, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi lãi ngoài huy động tiền gửi với mức chi trả trong từng giai đoạn và áp dụng đối với khách hàng, Nguyễn Minh Thu nhận trực tiếp thanh toán, chi trả lãi ngoài cho 3 khách hàng là PVOil, BSR, VSP theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn. Trong đó, Nguyễn Minh Thu trực tiếp nhận và chi tiền gần 58 tỉ đồng cho PVOil. Đối với PVOil, Nguyễn Minh Thu chi cho Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn và Kế toán trưởng Vũ Trọng Hải.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đơn vị thành viên trực thuộc PVN. Là doanh nghiệp nhà nước, nắm giữ khối tài sản “khủng”, quy mô vốn rất lớn, hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm. Theo các báo cáo tài chính mới đây của PVOil, mối liên quan giữa PVOil và OceanBank trên báo cáo tài chính hiện vẫn chưa dứt. Cụ thể là tại thời điểm cuối năm 2019, PVOil ghi nhận tới 2.064 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, trong đó có hơn 21 tỉ đồng và 3,77 triệu USD là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng và đặc biệt, 257 tỉ đồng có kỳ hạn tại OceanBank cũng bị hạn chế chi trả từ năm 2015 để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng thuộc PVN.

Tìm hiểu thông tin, Phóng viên được biết, ngày 24/9/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có Công văn số 5188/C03-P15 gửi  PVN liên quan đến các đơn vị thuộc PVN đã từng nhận tiền chi lãi ngoài từ OceanBank. Theo nội dung công văn của Bộ Công an, trong giai đoạn 2011-2014, rất nhiều đơn vị thành viên trong PVN khi giao dịch gửi tiền tại OceanBank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền chăm sóc khách hàng và hiện nhiều đơn vị đã nộp lại vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT theo quy định của pháp luật.

Hiện VKSND tối cao đang phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng vụ án, nhằm mục đích triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Trần Tâm