leftcenterrightdel
 Những cảm xúc khó tả của các bị cáo sau khi nói lời sau cùng.

Như BVPL đã thông tin, trưa 16/5, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình bắt đầu nghị án sau 5 ngày xét xử vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này.

Chủ tọa phiên tòa cho biết, phiên toà sẽ mở lại vào 8h30 ngày 21/5.

Trước khi tòa nghị án, 15 bị cáo lần lượt nói lời sau cùng.

Là người đầu tiên trình bày, bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí) cho biết với tất cả những gì đã làm trong kỳ thi, nếu xét về công việc thì bị cáo thừa nhận đã vi phạm về quy chế và xin chịu trách nhiệm.

"Tôi nói có người nhờ tôi, nhưng tôi bảo đây là kỳ thi nghiêm túc, bảo các cháu học đi", ông Vinh giãi bày và cho rằng do bản thân chủ quan, tin vào những người làm việc cùng mình nên mới bị truy tố.

Tiếp lời, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường nội trú huyện Lạc Thủy) mở lời bằng việc xin lỗi ngành giáo dục, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, trong đó có những em bị ảnh hưởng, tác động bởi hành động sai phạm của bị cáo trong kỳ thi năm 2018.

Bị cáo nói quá trình điều tra và tại tòa ông ta đã thừa nhận hành vi phạm tội và được cơ quan tố tụng xác thực. Cho đến khi nói lời sau cùng, bị cáo vẫn khẳng định bản thân không bị  oan.

"Bị cáo không nghĩ phải ra hầu tòa với tư cách người thầy giáo vi phạm trong ngành", Đỗ Mạnh Tuấn nói chỉ vì những gợi ý, lôi kéo và đặc biệt vì bản thân bị cáo có suy nghĩ, động cơ không đúng đắn dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.

Trình bày lời sau cùng, bà Diệp Thị Hồng Liên (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí) tỏ ra ăn năn, hối hận và thừa nhận những gì VKSND cáo buộc. Nữ bị cáo nói sau vụ án, bà đã tạo vết nhơ không bao giờ xóa được trong gia đình. Đau xót hơn nữa đã đặt gánh nặng tinh thần lên người thân, gia đình.

"Một bản án có thể làm thay đổi số phận, cũng có thể hồi sinh một cuộc đời. Mong HĐXX tạo cơ hội cho bị cáo và những người khác sớm làm lại cuộc đời", bà Liên trình bày.

Là cựu công an duy nhất trong số 15 bị cáo, ông Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ) vẫn cho rằng mình bị oan trong vụ án.

leftcenterrightdel
 Cựu thượng tá công an Khương Ngọc Chất.

Cựu thượng tá an ninh cho rằng đại diện VKSND chưa đưa được tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

"Bị cáo vẫn mong HĐXX triệu tập 2 cán bộ PA03 và Điều tra viên Bộ Công an để chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo", ông Chất kiến nghị.

Ngoài ra, cựu công an cũng mong muốn Cơ quan điều tra và tố tụng Trung ương xem xét lại chứng cứ buộc tội. Bị cáo Chất nói thêm ông sẽ kháng cáo.

“Thậm chí đời tôi chưa xong, đời con cháu tôi sẽ làm tiếp việc này để kêu oan cho tôi”, ông Chất trình bày rồi đề nghị trong thời gian HĐXX nghị án, tòa cho phép ông ta được tại ngoại thay vì tạm giam.

Nguyễn Thị Thu Loan (cựu giáo viên trường THPT Lạc Long Quân) tiếp lời sau đó. Nữ bị cáo khóc khi thừa nhận hành vi phạm tội và không chối bỏ sai phạm trong vụ án.

Loan cho rằng bản thân đáng trách khi tác động nâng điểm thi cho các thí sinh nhưng bà mong HĐXX khoan dung. "Chỉ vì một sai lầm đáng tiếc mà bị cáo bỏ lại sau lưng mình sự nghiệp, gia đình và tất cả", nữ giáo viên nói và trở về ghế ngồi.

Sau ít phút rời bục nói lời sau cùng, Nguyễn Thị Thu Loan ngất nên được cảnh sát và lực lượng cấp cứu đưa vào phòng chăm sóc y tế. Gần nửa giờ sau, bà Loan bình phục và được đưa về nơi tạm giam bằng xe đặc chủng.

Cùng trình bày lời nói sau cùng, 9 bị cáo khác bày tỏ sự ăn năn, hối hận và thừa nhận cáo buộc của VKSND. Họ mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án, chấp nhận các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án thấp nhất có thể.

"Qua vụ án, tôi thấy rằng lòng tốt rất cần trong cuộc sống nhưng lòng tốt cũng cần đặt đúng lúc, đúng chỗ và đúng pháp luật", bị cáo Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) giãi bày.

Bà Hồng cũng thừa nhận vì nể nang khi nâng điểm mà nhiều người bị kỷ luật, bản thân họ mang tiếng. Nữ Hiệu trưởng gửi lời xin lỗi toàn thể phụ huynh, học sinh và những người bị ảnh hưởng do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Minh Đức