Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện đã qua nhiều ngày xét xử.
|
|
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm. |
Theo Kiểm sát viên VKSND TP HCM, Nguyễn Thái Luyện chọn người thân hoặc các nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Nguồn tiền mua các thửa đất nêu trên chủ yếu từ nguồn thu của chính khách hàng. Sau khi các cá nhân đã đứng tên nhận chuyển đất nông nghiệp, các cá nhân được chỉ định đứng tên nhận chuyển nhượng đất sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ “dự án” không có thật trên các thửa đất nông nghiệp. Trên cơ sở việc nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, tự phân lô, tách thửa trái quy định.
Đồng thời Nguyễn Thái Luyện cũng chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Công ty Alibaba để trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án, các khách hàng khi tham khảo sẽ tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản. Kết quả xác minh tại cơ quan chức năng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, các địa phương này đều xác định Công ty Alibaba và các công ty liên quan chưa có doanh nghiệp nào làm thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư dự án liên quan đến cả 58 dự án nêu trên theo quy định của pháp luật.
Đồng thời đưa ra mức giá rất hấp dẫn, giao động khoảng 200- 300 triệu đồng/ một nền đất thổ cư với diện tích khoảng 100m2 tùy từng vị trí; chỉ cần nộp 2 triệu đồng cọc cũng giữ được vị trí mong muốn, thậm chí được trả góp trả theo tiến độ nếu có nhu cầu… với mức giá mềm, thanh toán linh hoạt này, các bị hại đã tin tưởng nộp tiền cho Công ty Alibaba do Luyện quản lý, sử dụng.
Để tăng lòng tin và thu hút khách hàng nộp tiền, Nguyễn Thái Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Theo phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo; hoặc khuyến khích khách hàng lấy tiền lãi tiếp tục tái đầu tư bằng các hợp đồng mới vào các “nền đất” tại các dự án khác với nhiều chính sách khuyến mãi khác nhau, và quảng cáo chính sách khuyến mãi của dự án sau hấp dẫn, nhiều lợi ích hơn chính sách khuyến mãi của dự án trước.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thái Luyện với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty Alibab, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thừa nhận là người chỉ đạo xuyên suốt, toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân trực thuộc. Bị cáo cũng thừa nhận bị cáo là người chỉ đạo toàn bộ nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp; khung giá đất do bị cáo chỉ định; vị trí đất do bị cáo định hướng.
Tại phiên tòa, các bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lĩnh và nhiều bị cáo khác đều xác định làm theo chỉ đạo của bị cáo; chỉ khi bị cáo Luyện đồng ý thì bị cáo Mai mới yêu cầu nhân viên kế toán lập phiếu chi (tiền mặt) hoặc ủy nhiệm chi chuyển khoản tùy từng trường hợp theo yêu cầu của người bán. Bị cáo cũng thừa nhận việc chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, người duyệt khi lên sơ đồ lô, thửa đất, giá cả hàng hóa khi bán cho khách hàng.
“Nguyễn Thái Luyện là người có kiến thức về pháp luật hơn cả so với các bị cáo khác trong vụ án; trả lời HĐXX bị cáo cũng khẳng định bị cáo có kinh nghiệm trong việc kinh doanh bất động sản từ 2010. Trong suốt thời gian điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo nhiều lần phân tích, dẫn chứng các quy định của pháp luật về đất đai; Nghị định số 43/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai; Luật kinh doanh bất động sản để biện minh cho hành vi vi phạm của mình. Do đó, đủ cơ sở xác định bị cáo hiểu, biết và buộc phải biết quy định của pháp luật về kinh doanh Bất động sản với vai trò của người đứng đầu…
Lợi dụng sự ít hiểu biết về pháp luật của người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị cáo chỉ đạo đưa ra những thông tin rất cuốn hút như hạ tầng đầy đủ, gần trường học, giao thông thuận lợi....; giá rẻ chỉ vài trăm đồng triệu/một nền; thậm chí cho trả góp 2-3 triệu đồng một tháng; phụ lục hợp đồng cam kết chi trả lãi suất lên đến 28, 35%....tên dự án nghe hấp dẫn như “Phú Mỹ Center city, Alibaba New Land…; để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng nộp tiền cho bị cáo” đại diện Viện kiểm sát nhận định.
Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Aibaba), theo phân công của bị cáo Luyện, bị cáo Mai quản lý hoạt động của bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền. Nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương và hoa hồng cho nhân viên; mua đất; trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh...
Về nguồn tiền, các bị cáo đều xác định sổ tiết kiệm 50 tỉ đồng tại Ngân hàng ACB là khoản tiền do khách hàng nộp mua đất nền từ Công ty Alibaba; CQĐT đã thu lệnh chuyển có số tiền 50 tỉ đồng tại Ngân hàng Á Châu, người chuyển tiền là Nguyễn Thái Lĩnh, Lĩnh cũng thừa nhận việc chuyển tiền nêu trên trước HĐXX và số tiền 13 tỉ đồng có nguồn gốc từ sổ tiết kiệm.
“Như vậy, hành vi chỉ đạo Nguyễn Thái Lực rút 13 tỉ đồng tiền mặt từ ngân hàng để giao cho mình của Võ Thị Thanh Mai khi cơ quan điều tra đang điều tra vụ án, nhằm mục đích che dấu nguồn gốc tiền, bản chất thực sự, quyền sở hữu đối với tiền mà bị cáo biết rõ đây là số tiền do phạm tội mà có… Thực tế cũng từ giúp sức nêu trên của bị cáo Lực, bị cáo Mai đã tẩu tán 13 tỉ đồng của các khách hàng nộp mua đất và đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được. Nên Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội “Rửa tiền” theo quy định tại khoản 3, Điều 324 BLHS là có căn cứ” đại diện Viện kiểm sát nhận định.
Đối với bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh sử dụng tư cách cá nhân để đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng từ khách hàng của Công ty Alibaba. Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh đã ký ủy quyền cho các cá nhân gồm: Võ Thị Thanh Mai, Trần Huy Phúc - là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của các Công ty Law Firm, Công ty 108, để thực hiện vẽ lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, quảng cáo gian dối thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Alibaba, phân phối, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt một số lượng tiền rất lớn của khách hàng; Sử dụng tư cách Tổng Giám đốc Công ty Alibaba để ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Võ Thị Thanh Mai, Trần Huy Phúc là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của các Công ty Law Firm, Công ty 108 là chủ đầu tư của các dự án dân cư không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp, để lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư, chiếm đoạt một lượng tiền lớn của khách hàng.
“Hành vi giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt tiền của khách hàng nêu trên của Nguyễn Thái Lĩnh đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 với vai trò giúp sức tích cực cho Nguyễn Thái Luyện”, Kiểm sát viên khẳng định.
Từ đó, về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47, 48 buộc các bị cáo Nguyễn Thái Luyện và bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường thiệt hại cho 4550 bị hại, với tổng số tiền 2.462.731.378.259 đồng do các bị cáo là người trực tiếp chiếm đoạt và sử dụng toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Buộc bị cáo Võ Thị Thanh Mai nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính 13 tỉ đồng./.